Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại huyện An Lão:
Diễn biến phức tạp do người dân “đi tắt đón đầu”
Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép đã bị phát hiện, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng thì tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp do công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn và người dân “đi tắt đón đầu” chủ trương.
Phá rừng tràn lan
Thống kê cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2015, Hạt Kiểm lâm An Lão đã kiểm tra, phát hiện 142 địa điểm bị phá rừng trái phép, nhiều nhất là ở xã An Trung: 28 địa điểm, xã An Toàn: 24 địa điểm, xã An Hưng: 24 địa điểm,…với tổng diện tích thiệt hại gần 40 ha. Trong đó, diện tích rừng sản xuất bị thiệt hại là hơn 19 ha, phần còn lại là diện tích rừng phòng hộ. Về diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, ngành chức năng đã phát hiện 44 điểm, với tổng diện tích thiệt hại gần 74 ha.
Chỉ tính từ tháng 4 đến tháng 7.2015, tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để lấy đất sản xuất trên địa bàn huyện An Lão trở nên căng thẳng, khi người dân địa phương nghe thông tin UBND tỉnh sẽ có quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng này, UBND huyện An Lão ban hành Quyết định số 941/QĐ-UBND ngày 12.5.2015 về việc thành lập 2 tổ công tác hướng dẫn và giúp các UBND xã, thị trấn xử lý các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Đơn cử như tại xã An Tân, ngành chức năng phát hiện các đối tượng là Trịnh Văn Lực (ở thôn Xuân Phong Tây, xã An Hòa) cùng một số người khác phá rừng trái phép tại khoảnh 3, tiểu khu 33; diện tích vi phạm là 3.000 m2, thuộc rừng sản xuất, trạng thái IIa. Hay tại xã An Vinh, lực lượng chức năng phát hiện 8,8 ha bị đốn hạ; đồng thời, Ban Quản lý rừng phòng hộ An Lão phối hợp với Kiểm lâm địa bàn xã An Vinh tổ chức phá bỏ 17,7 ha keo trồng trên đất lấn chiếm tại tiểu khu 17, 20, 25. Đáng chú ý là tại xã An Hòa, ngành chức năng đã phát hiện hơn 14 ha rừng bị phá; tổ chức phá bỏ 27,5 ha keo trồng trên diện tích phá rừng và lấn chiếm trái phép tại tiểu khu 34, tiểu khu 44, thuộc vùng giáp ranh với huyện Hoài Nhơn nhưng chưa phát hiện được đối tượng vi phạm.
Quản lý chưa đồng bộ
Theo ông Nguyễn Thanh Sinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão, sở dĩ tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tràn lan có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Một là, việc trồng keo mang lại hiệu quả kinh tế do giá gỗ nguyên liệu tăng cao, người dân sẵn sàng vi phạm pháp luật. Mặt khác, việc xử lý các đối tượng vi phạm chưa nghiêm, công tác giám sát, thực hiện các quyết định xử phạt của các cấp chưa chặt chẽ nên các đối tượng vi phạm “nhờn” luật.
Hai là, do một số cán bộ công chức, nhất là kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương chưa làm tốt trách nhiệm quản lý; kinh phí tuần tra còn hạn chế. Bên cạnh đó, địa bàn rừng núi rộng, các đối tượng vi phạm thường hoạt động vào ban đêm, ngày nghỉ, cắt cử người canh gác, thông báo khi phát hiện lực lượng chức năng đi tuần tra, kiểm tra; vì vậy, việc bắt quả tang, xác minh, truy tìm người vi phạm để xử lý gặp nhiều khó khăn.
Ba là, do các đơn vị chủ rừng chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất, khai thác, vận chuyển trái phép trên lâm phần rừng được phân cấp quản lý; các hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng còn thiếu kiểm tra, phát hiện kịp thời.
“Chúng tôi và ngành chức năng sẽ tiếp tục phối hợp điều tra, xác minh đối tượng vi phạm; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra phát hiện, lập biên bản vi phạm bắt quả tang các đối tượng tại hiện trường để có biện pháp xử lý theo pháp luật; cương quyết cưỡng chế, phá bỏ cây trồng, công trình trên diện tích lấn chiếm, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn các hồ, đập chứa nước, vùng giáp ranh,…Đẩy nhanh tiến độ giao đất lâm nghiệp để người dân ổn định sản xuất, những diện tích vi phạm thì tham mưu cho UBND huyện thu hồi và giao cho UBND xã quản lý”, ông Sinh cho biết thêm.
Ngày 24.8.2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2937/QÐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhiều diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất sẽ chuyển sang sản xuất lâm nghiệp hoặc mục đích sử dụng khác; và ngược lại.
PHÚC LỘC