Bản hùng ca chống giặc ngoại xâm
Vở tuồng “Quang Trung đại phá quân Thanh” vừa được Nhà hát tuồng Đào Tấn phục dựng thành công, đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc về truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Vở diễn cũng ghi nhận những nỗ lực của lực lượng diễn viên trẻ Nhà hát.
Vở diễn ý nghĩa
Cách đây 30 năm, vở diễn “Quang Trung đại phá quân Thanh” (tác giả Trúc Đường, đạo diễn Hoàng Chương) được Nhà hát tuồng Nghĩa Bình (nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn) dàn dựng gây được tiếng vang lớn. Vở diễn đã chinh phục khán giả khi công diễn ở thủ đô Hà Nội, đồng thời vinh dự được phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng tại Hội trường Ba Đình. “Tôi và tác giả Trúc Đường được Tổng Bí thư Lê Duẩn gặp mặt động viên, khen ngợi. Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau đó về Quy Nhơn mới xem vở diễn, cũng đã quan tâm mời chúng tôi đến nhà riêng trò chuyện trao đổi, phân tích rất sâu về phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và về người Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ”, Giáo sư Hoàng Chương kể lại.
Nhiều diễn viên trẻ đã góp phần cho thành công của vở “Quang Trung đại phá quân Thanh”.
Nội dung vở diễn bắt đầu từ thời điểm Lê Chiêu Thống sang cầu viện vua Càn Long cho quân Mãn Thanh sang đánh nghĩa quân Tây Sơn đến khi kết thúc là mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa bất hủ. Xem vở diễn, ngay từ cảnh đầu khán giả đã cảm thấy hả hê trước cảnh vua Càn Long trong cơn mê say kêu thị thần dâng bút mực để “vẽ lại bản đồ” với dã tâm chiếm nước An Nam đầu tiên, rồi đến các nước khác để “Nam Á thu về một cõi”. Tấm bản đồ bỗng đứt dây rớt xuống đầu Càn Long khiến ông ta ngã dúi dụi cùng với lời khuyên ngăn của sử quan: “Định treo lên cả nửa phần thiên hạ. Không có sợi dây nào chịu nổi được đâu. Cho nên nó rớt, nó rụng, nó rơi là phải lắm!”.
NSƯT Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, chia sẻ: “Việc phục dựng vở tuồng nhằm thiết thực góp phần giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng và tuyên truyền, cổ vũ nhân dân nâng cao tinh thần đoàn kết, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia”.
Tạo điều kiện cho diễn viên trẻ thể hiện
Khi tiến hành phục dựng vở “Quang Trung đại phá quân Thanh” làm tiết mục biểu diễn trong năm 2015, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã mạnh dạn tạo điều kiện cho dàn diễn viên trẻ tham gia phần lớn các vai diễn. Ngoài nghệ sĩ Đình Trương thể hiện một trong những vai chính là nhân vật Tôn Sỹ Nghị, các diễn viên “gạo cội” như NSND Minh Ngọc, NSND Xuân Hợi, NSƯT Tuyết Mai… đều chỉ xuất hiện trong một số ít cảnh rồi lui vào hậu trường để hướng dẫn, tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ “có đất” thể hiện.
Được giao đảm nhận vai diễn Quang Trung - Nguyễn Huệ, diễn viên Mai Ngọc Nhân (37 tuổi) đã có những nỗ lực phát huy lợi thế về làn hơi khỏe, cũng như thể hiện được khí phách và những phẩm chất tài trí, đức độ của người anh hùng áo vải cờ đào. Diễn viên Hoàng Thanh Bình (36 tuổi) đã lột tả được những cung bậc nội tâm của công chúa Ngọc Hân lúc mềm yếu khi nhớ về kinh thành Thăng Long với những người thân ruột thịt, lúc mạnh mẽ lên án những người họ hàng của mình đã “cõng rắn cắn gà nhà”. Phần lớn các diễn viên trẻ tham gia đã cho thấy được sự nỗ lực rèn luyện để đáp ứng yêu cầu của vai diễn: Minh Trang thể hiện vai nữ binh Tây Sơn đầy khí phách; Mai Vân hóa thân nhân vật nữ tướng Bùi Thị Xuân tài ba; Thanh Vân đảm nhận khá tốt vai nữ chúa Tây Nguyên một lòng lãnh đạo đội nữ binh đồng bào dân tộc thiểu số theo vua Quang Trung đánh đuổi giặc ngoại xâm…
NSND Minh Ngọc tâm sự: “Đáng mừng là các diễn viên trẻ tham gia vở diễn đã thể hiện được sự trưởng thành, có chiều hướng phát triển chuyên môn tốt. Lớp diễn viên đi trước chúng tôi sẽ tiếp tục tận tâm truyền dạy cho các em, với niềm tin sẽ từng bước gầy dựng được lực lượng diễn viên kế cận có chất lượng ở Nhà hát trong tương lai”.
HOÀI THU