Khám chữa bệnh BHYT trong ngày nghỉ: Khó !
Theo Thông tư liên tịch 16/2015/TTLT-BYT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 1.9.2015, tại các cơ sở y tế tổ chức khám chữa bệnh (KCB) vào ngày nghỉ, ngày lễ dù không phải vì lý do quá tải, bệnh nhân vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít cơ sở y tế “mặn mà” với quy định mới này.
Theo tổng hợp từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh có 8 cơ sở y tế đăng ký KCB BHYT trong ngày nghỉ, ngày lễ theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch 16/2015/TTLT-BYT-BTC. Đó là Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, TTYT huyện Vĩnh Thạnh và các Phòng khám đa khoa: Thành Long, 38 Lê Lợi, Hương Sơn, Toàn Mỹ.
Hướng đến quyền lợi của người bệnh
Thông tư liên tịch 16/2015/TTLT-BYT-BTC sửa đổi khoản 5, điều 13 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC của liên bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT. Cụ thể, nội dung “Trường hợp cơ sở y tế quá tải, có tổ chức KCB BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ phải thông báo cho tổ chức BHXH để bổ sung vào hợp đồng KCB trước khi thực hiện” đổi thành “Trường hợp cơ sở y tế có tổ chức KCB BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ phải thông báo cho tổ chức BHXH để bổ sung vào hợp đồng KCB trước khi thực hiện”.
Khám bệnh BHYT tại Phòng khám đa khoa Hương Sơn vào sáng thứ Bảy (12.9).
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Anh, Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh), so với Thông tư 41, Thông tư 16 đã “mở” hơn. Trước đây, các cơ sở y tế có quá tải tổ chức KCB vào ngày nghỉ, ngày lễ có thông báo trước cho cơ quan BHXH, người bệnh mới được hưởng BHYT. Giờ đây, không cần đến yếu tố “quá tải”, người bệnh vẫn được đảm bảo quyền lợi.
Sáng 12.9, ông Nguyễn Văn Chánh (48 tuổi, ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) đến khám tại Phòng khám đa khoa Hương Sơn. Ông Chánh đăng ký KCB BHYT ban đầu tại phòng khám này. Thời gian gần đây, ông phát hiện bị sỏi niệu quản ở thận phải. “Tui làm thợ hồ, có công trình thì làm liên tục. Hôm nay mưa nên mới được nghỉ, tui đi tái khám luôn. May là ở đây khám cả ngày thứ Bảy, chứ không cũng chẳng biết làm sao!”, ông Chánh chia sẻ.
Trưởng phòng khám đa khoa Hương Sơn Phạm Thị Hương cho biết, nhu cầu KCB vào ngày nghỉ là rất lớn. Bình quân, phòng khám tiếp nhận 300-400 bệnh nhân/ngày trong ngày nghỉ, gấp đôi so với ngày bình thường. 2/3 trong số đó là bệnh nhân có BHYT. “Không kể các trường hợp cấp cứu, nhiều bệnh nhân BHYT chờ đến ngày thứ Bảy, Chủ nhật mới có thời gian đi khám bệnh. Thông tư 16 có hiệu lực thi hành đã thật sự tạo điều kiện cho chúng tôi phục vụ tốt hơn cho người bệnh có BHYT”, bác sĩ Hương cho hay.
Vướng nhân lực
Rõ ràng, cơ chế đã mở, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế phục vụ tốt hơn người bệnh có BHYT. Tuy nhiên, con số 8 cơ sở đăng ký thực hiện theo Thông tư 16 là quá ít ỏi; trong đó có đến 4 cơ sở y tế tư nhân.
Yêu cầu quan trọng đối với cơ sở y tế triển khai KCB BHYT trong ngày nghỉ, ngày lễ là phải đảm bảo về nhân lực, trang thiết bị, điều kiện chuyên môn. Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến bệnh viện chưa thể thực hiện KCB BHYT trong ngày nghỉ. Tiền trực trong ngày nghỉ luôn cao hơn ngày thường. Mỗi bác sĩ trực 1 ngày nghỉ phải được nghỉ bù trong 2 ngày tiếp theo. “Chưa kể, bác sĩ đâu chỉ làm việc một mình. Để hoạt động trong ngày nghỉ cũng cần đầy đủ bộ phận tiếp đón, xét nghiệm, phát thuốc… Trong khi đó, bệnh viện vẫn chật vật về nhân lực”, bác sĩ Mỹ tâm tư.
Nhân lực cũng là trở ngại lớn nhất khiến BVĐK khu vực Bồng Sơn “nói không” với khám bệnh trong ngày nghỉ. Toàn bệnh viện cần 80 bác sĩ, trong khi con số hiện có chỉ là… 34. Phó Giám đốc Trần Quốc Việt thẳng thắn thừa nhận: “Trong khi nghỉ bù hiện vẫn là điều xa xỉ đối với anh em, rất khó để đòi hỏi họ “cố sức” trong quỹ thời gian nghỉ quá ít ỏi”.
Ngay cả với TTYT huyện Vĩnh Thạnh - đơn vị đã đăng ký thực hiện KCB BHYT trong ngày nghỉ cũng chưa triển khai được, bởi “vắng” 3 bác sĩ đang học tập tại BVĐK tỉnh. Đơn vị này còn đăng ký thực hiện cho 9 trạm y tế trực thuộc. Bác sĩ Hứa Tự Thảo, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Đồng bào dân tộc thiểu số ít quan tâm đến thứ ngày, rảnh là đi khám. Phục vụ bà con ngay tại trạm trong mọi thời điểm là quan tâm lớn của chúng tôi. Sắp tới, ngoài triển khai tại Trung tâm, chúng tôi cũng sẽ tính đến việc tăng cường nhân lực xuống trạm, tổ chức hiệu quả việc khám bệnh BHYT cả trong ngày nghỉ”.
NGUYỄN VĂN TRANG
Em thấy một số bệnh viện có cái nhìn rất khác đối với bệnh nhân có sử dụng BHYT. Nhưng BHYT cũng là người dân bỏ tiền ra để mua chứ đâu phải cho không? Tại sao các bác sỹ lại có cái nhìn khác biệt như vậy ạ.