Thu hộ tiền điện qua ngân hàng: Cần tuyên truyền nhiều hơn để khách hàng thông hiểu
Thời gian qua, Công ty Ðiện lực Bình Ðịnh (PCBÐ) tích cực phối hợp với các ngân hàng (NH) trên địa bàn tỉnh triển khai việc thu hộ tiền điện. Tuy nhiên chủ trương này còn gặp nhiều khó khăn.
Khách hàng chưa thông
Thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực Miền Trung, đến nay PCBĐ đã ký kết hợp tác thu hộ tiền điện với hàng loạt chi nhánh NH trong tỉnh như Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank)… Các NH đã mở rộng một số hình thức mới như thanh toán tiền điện tại quầy giao dịch, trích tiền thanh toán từ tài khoản đã đăng ký, thanh toán qua Internet banking và thanh toán qua ATM. Việc hợp tác thanh toán tiền điện qua NH giúp khách hàng (KH) tiết kiệm thời gian, ngành điện tiết kiệm chi phí in ấn hóa đơn, chi phí trả lương cho nhân viên thu tiền điện.
Tuy nhiên tỉ lệ KH sử dụng dịch vụ của NH để giao dịch thanh toán tiền chỉ đạt 1,75% so với hơn 350 ngàn KH đang sử dụng điện của PCBĐ, do dịch vụ này còn nhiều bất cập. Một số KH phản ánh đã thanh toán tiền điện qua NH nhưng sau đó vẫn nhận được giấy báo nợ tiền điện. Nguyên nhân là do việc phối hợp giữa ngành điện lực và NH chưa tốt. PCBĐ chưa thực hiện đối soát và chấm xóa nợ kịp thời đối với các trường hợp KH thanh toán qua hệ thống thu hộ.
Thực tế, các điện lực trực thuộc PCBĐ vẫn chưa quan tâm đúng mức đến vai trò quan trọng của việc đa dạng hóa hình thức thu tiền điện, thiếu sự định hướng và quyết liệt trong thực hiện các kế hoạch mà Công ty đề ra để nâng cao tỉ lệ thu tiền điện qua NH, thiếu sự năng động, sáng tạo trong việc phối hợp với các NH trên địa bàn quản lý...
Theo ông Thái Minh Châu - Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh PCBĐ, đa số KH khi được tư vấn dùng dịch vụ mới còn e ngại, sợ sai; đối với phía ngành điện thì công tác tuyên truyền còn hạn chế, thu ngân viên sợ ảnh hưởng kết quả - thời gian thu tiền nên chưa nhiệt tình tư vấn KH; về phía NH, chưa đồng bộ thực hiện hết các dịch vụ tiện ích như đã thông báo... Một số KH đăng ký thanh toán tự động qua NH nhưng có khi số dư không đủ, gây khó khăn trong việc thu nợ. Có trường hợp KH thanh toán và đối tác đã xác nhận thanh toán trong dữ liệu thu của PCBĐ, nhưng NH không thực hiện chuyển tiền vào tài khoản thu hộ, gây khó khăn cho công tác chấm nợ và cắt điện đòi nợ...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hồng, Phó Giám đốc BIDV Bình Định, cho biết: “Để việc thanh toán tiền điện được nhanh và hiệu quả thì hai ngành trước tiên phải tập trung vào các cụm KH lớn như các cơ quan nhà nước hoặc các doanh nghiệp, công ty có quy mô sản xuất lớn, như vậy mới tạo được uy tín và lượng KH sẽ tăng mạnh”. Còn bà Nguyễn Thị Vĩnh Hiền, Phó Giám đốc Điện lực Quy Nhơn, cho hay: “Mỗi ngày Điện lực Quy Nhơn tiếp nhận trung bình 5 KH đề nghị chuyển thanh toán tiền điện qua NH nhưng cũng có 2 KH đề nghị chuyển thanh toán lại bằng tiền mặt. Qua tìm hiểu thì KH phản ánh đến hạn thanh toán tiền điện nhưng tiền trong tài khoản không đủ nên NH không trích trả tiền điện được dẫn đến nhận được thông báo ngừng cấp điện”.
Thực tế, thói quen lâu nay của KH là nộp tiền rồi nhận giấy biên nhận tiền điện; mặc dù giấy biên nhận của NH có tính pháp lý tương đương nhưng đa số KH vẫn e ngại. Bởi nếu đối khớp nợ không rõ ràng, KH nộp tiền qua NH rồi vẫn nhận giấy báo nợ, buộc họ phải mang biên nhận đến điện lực để đối chiếu gạch nợ. “Thủ tục như vậy là rườm rà. Thay vì đi hai lần, thì việc nộp tiền theo kiểu truyền thống trước đây vẫn khỏe hơn, ở nhà nộp tiền khi có người tới thu trực tiếp. Không lo bị cắt điện đột xuất”, anh N.T.D, ở khu vực 5, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, chia sẻ.
Đẩy mạnh tuyên truyền và có các dịch vụ phụ trợ
Nhận định khó khăn trong dịch vụ thanh toán tiền điện qua NH, ông Phạm Văn Học, Trưởng phòng Tài chính Kế toán PCBĐ, đề xuất: “Các NH cần tăng cường quảng bá dịch vụ này qua nhiều kênh, bởi thực tế hiện nay ít NH tuyên truyền tại các phòng giao dịch để KH nắm thông tin. Ngoài ra các NH nên xem xét việc cho vay để thanh toán chi phí tiền điện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, thực hiện luôn việc chuyển thanh toán qua NH”.
Đồng quan điểm với ông Học, một đại diện Vietinbank Bình Định, khẳng định: “Vietinbank đã quy định 100% CBCNV phải thanh toán tiền điện qua NH; ban lãnh đạo NH đã làm việc với hơn 100 đơn vị đang hợp tác chi trả lương qua NH để tư vấn việc thanh toán tiền điện của CBCNV các đơn vị qua tài khoản chi trả lương. Vietinbank sẽ cải thiện giao diện trên Internet để KH dễ nhận diện việc thanh toán tiền điện qua dịch vụ Internet banking. KH chỉ cần 2 thao tác trên Internet là có thể tiếp cận dịch vụ này”.
Ngoài các hỗ trợ trên, thiết nghĩ PCBĐ cần tăng cường tư vấn thêm cho KH về các loại giấy biên nhận thu tiền điện cũng như các hình thức xác nhận thanh toán tiền điện, sử dụng dịch vụ nhắn tin ngay cho KH khi đã thực hiện thanh toán thành công, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các NH để đảm bảo an toàn dữ liệu, độ ổn định của hệ thống thu hộ, tránh những trường hợp sai sót dữ liệu do lỗi kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần tập trung công tác tuyên truyền, thường xuyên làm việc với các đối tác thu hộ để kịp thời có những giải pháp nhằm nâng cao số lượng KH thanh toán qua NH.
MINH NGUYỄN