Triển lãm Mỹ thuật Bình Định - 2015: Mới và chưa mới?
Họa sĩ ĐẶNG MẬU TỰU
Hai mươi lăm năm – khoảng cách giữa hai lần triển lãm mỹ thuật Bình Định. Đây quả thật là một sự kiện văn hoá của tỉnh, một cuộc “tiệc lớn” của anh chị em nghệ sĩ tạo hình Bình Định, một niềm vui lớn nhưng cũng nhiều nỗi băn khoăn về tìm lại dư âm Quy Nhơn một thời hội tụ văn vật.
Tôi được mời tham gia tác phẩm triển lãm với tư cách là một đồng hương và được mời vào hội đồng xét chấm giải thưởng Trẻ triển vọng. Khi về lại Quy Nhơn, tôi vẫn nhớ như in cảm giác bồi hồi vì không bị xa cách, dưới bóng quê nhà được hoà vào cái giọng Nẫu mến thương cùng với anh chị em đồng nghiệp, chan hoà vào cái nắng gió duyên hải với niềm hạnh phúc ngập tràn.
Triển lãm mỹ thuật Bình Định năm 2015 trong ngày khai mạc.
Các họa sĩ chịu trách nhiệm trưng bày đều tất bật lo cho việc làm sao có một phòng tranh bề thế, xứng đáng với 25 năm mới có một lần. Không bận việc gì, tôi loanh quanh khu vực tổ chức, rồi tự nhủ “Bình Định mình làm nhiều công trình thế, sao không có nơi trưng bày tốt hơn?”. Nơi trưng bày là không gian mượn tạm, không có độ lùi để xem tác phẩm, tận dụng tiền sảnh chật chội của Trung tâm Văn hoá tỉnh, không đủ chỗ cho tác phẩm đem đến.
Ban Tổ chức đã chọn 70 tác phẩm của 40 tác giả, trong đó số tác giả là người Bình Định và gốc Bình Định tham gia với 10 tác phẩm, có 10 tác giả trẻ với 14 tác phẩm, có 8 tác giả tham gia 3 tác phẩm, còn lại tham gia từ 1-2 tác phẩm. Các chất liệu được sử dụng gồm: sơn mài, sơn dầu, acrylic, dán giấy, tổng hợp. Đồ hoạ có in độc bản, tranh cổ động, khắc gỗ. Về điêu khắc có tượng tròn, phù điêu bằng các chất liệu gỗ, đá, sắt hàn, đồng, composite. Đề tài các tác giả khai thác chủ yếu quanh những thắng tích Champa, biển, một ít Tây Nguyên và đời sống từ vùng đất miền Trung nắng gió. Trong mỗi tác phẩm, các tác giả đã ít nhiều khắc hoạ được cái tính chất và tình cảm con người và cảnh vật ở vùng đất Bình Định. Cũng có những sự kiện lịch sử của Bình Định được một số tác giả khai thác. Các tác giả trẻ lại trăn trở ưu tư về cuộc sống hiện tại, về thân phận đã đi tìm cách thể hiện mới ở những chất liệu mới, mãnh liệt trong diễn đạt khối, mảng cũng như bố cục và đề tài.
Những tác giả quen thuộc của Bình Định như Lê Duy Hồng, Nguyễn Chơn Hiền, Lê Duy Khanh, Trần Đình Tấn, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Cần đã thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp. Nhiều tác giả đã định hình xuất hiện, song trong lần này dường như giảm xuống cả chất và lượng. Những tác phẩm tốt của họ hình như đã “ra đi khỏi nhà” nên những tác phẩm ở đây ít để lại âm vang cho người xem. Tranh lụa cũng không xuất hiện trong lần triển lãm này. Đồ hoạ thì chưa nổi bật hẳn, trừ tác phẩm Bộ ba bến thuyền của tác giả Phạm Xuân Trường và một số tác phẩm in độc bản của Lê Duy Hồng. Nổi bật ở điêu khắc tuy chỉ có 4 tác giả nhưng trong đó các tác giả đã tìm tòi khá rõ nét, điển hình như Lê Trọng Nghĩa có 3 tác phẩm (từng xuất hiện ở những cuộc triển lãm khu vực miền Trung trước đây); Giang Minh Hoàng với khối hình chắc chắn, chất liệu composite từ vỏ chai phế liệu gây được ấn tượng mới mẻ; tác giả trẻ Phạm Thế Trường với 2 tác phẩm bằng chất liệu gỗ và đá cũng đã nêu bật được cái chắc chắn trong ngôn ngữ điêu khắc từ khối. Về sơn mài cũng vẫn thưa thớt, chỉ có hai tác giả nổi bật như Võ Thái Nhân đã “lấp ló” một sự định hình.
Trong một cái nhìn lướt qua, triển lãm lần này khá bề thế bởi trong tương quan chung của cả miền Trung thì đây vẫn là một phòng tranh có chất lượng và ổn định. Tuy nhiên, người xem cảm nhận có những điều còn băn khoăn bởi số lượng tác giả không phải ít nhưng chất lượng không đều. Tác giả đã định hình thì chưa tìm ra cái mới, tác phẩm vẫn bị mòn mỏi, quen qua cách nhìn. Có một số tác giả đã được tu nghiệp ở nước ngoài nhưng vẫn chưa được phát huy, chưa thấy cái mới ở đây. Có phải chăng họ đã “giấu đi”, chưa đem đến, hoặc có tìm nhưng khi nhìn như đã bắt gặp ở đâu đó rồi.
Tác giả trẻ còn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy thấy được cái mới xuất hiện nhưng vẫn chưa đạt tới cái yêu cầu bởi tay nghề còn hạn chế và chưa làm chủ được chất liệu.
Trong cái thành công chung, phải nói rằng việc tổ chức được cuộc triển lãm này là một nỗ lực lớn. Có tổ chức mới thấy được nội lực của toàn lực lượng sáng tác, mới thấy được cái mạnh yếu của anh chị em mỹ thuật của tỉnh. Anh chị em hoạ sĩ mới thấy mình cần bổ khuyết cái gì cho bản thân mình. Nếu có ai bảo triển lãm lần này không có cái gì mới thì cũng không sai nhưng chưa đúng. Nên nói rằng: Có cái mới nhưng chưa đạt. Cái mới thứ nhất là việc tổ chức cuộc triển lãm lần này như một sự quan tâm khởi đầu về phát triển mỹ thuật. Cái mới thứ hai, có bổ sung lực lượng mới, trẻ, năng lực. Cái mới thứ ba là có mời các họa sĩ từ các tỉnh lân cận đến giao lưu.
Về cái nhìn, trước hết, lãnh đạo đã “nhìn” được những cái mà thế hệ trước cho là cái khó “nhìn”. Đó là tác phẩm phản ánh ngoài cái hiện thực, các khuynh hướng nghệ thuật mới của thế giới, kể cả những điều ở một số địa phương vẫn coi là “cấm kỵ”. Bên cạnh đó, một số anh chị em mạnh dạn tìm kiếm cái bên trong sự vật, giảm bớt cái minh họa thường có bởi quan điểm mới, theo đó, nghệ thuật là cái cốt lõi chứ không phải phản ánh cái bên ngoài. Có diễn đạt cái bên ngoài thì cũng phải phản ánh sự toát lên của cái bên trong. Nghệ thuật phải “nói gì” chứ không phải cái “tôi nhìn”.
Nói về sự hài lòng của triển lãm thì còn nhiều điều phải bàn, chẳng hạn, làm thế nào để mỹ thuật Bình Định phát triển tốt. Các điều kiện cần phải có là lực lượng và môi trường phát triển. Để phát triển mỹ thuật ở Bình Định, thiết nghĩ cần quan tâm đến các vấn đề sau:
Về lực lượng, phải nói rằng cần thông cảm với anh chị em sáng tác hiện nay. Họ phải lo cái ăn trước đã rồi mới nói đến chuyện sáng tác nghệ thuật. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực cá nhân, chính quyền cần tạo điều kiện cho nghệ sĩ tạo hình. Cần tổ chức nhiều hoạt động nghề nghiệp như các trại sáng tác, các câu lạc bộ sáng tác, thâm nhập thực tế. Tạo điều kiện để Hội Văn học - Nghệ thuật và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định tổ chức các triển lãm thường niên và có các phòng triển lãm giao lưu, giới thiệu tác phẩm của hoạ sĩ Bình Định ra bên ngoài, đồng thời mời các tác giả từ ngoài về với Bình Định để tổ chức trưng bày.
Điều quan trọng là nên quan tâm dành một địa điểm tổ chức triển lãm để lấy lại không khí như trước đây. Quy Nhơn đã từng quy tụ nhiều triển lãm mỹ thuật, thu hút các họa sĩ nơi khác về với thành phố này. Biến Quy Nhơn trở thành nơi hội tụ mỹ thuật có lẽ là mong ước của anh chị em họa sĩ và nhiếp ảnh ở Bình Định. Không những vậy, đây cũng là điều mà cả nước quan tâm.
Không thể nói hết cảm xúc về cuộc triển lãm lần này bởi sau 25 năm từ lần tổ chức trước đến nay, những khuôn mặt quen thuộc nay đã có nhiều thay đổi, người còn người mất, mỗi người khi gặp lại đều có những cảm xúc vui buồn khác nhau, song, có lẽ mọi người đều nghĩ rằng: 25 năm ấy biết bao nhiêu tình!
Đ.M.T
Đọc mà thấy buồn cho xứ sở " đất võ trời văn". Xin thưa, nhân tài nghệ thuật của Bình Định nhiều lắm. Hãy cứ về các trường tiểu học, trung học cơ sở mà tìm, mà chọn nhân tài. Đầy ra đấy! Nguyễn Thiện Nhân, ca sĩ nhí là một ví dụ. Nhưng quan trọng hơn là đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, bởi vì nhân tài nghệ thuật là nhân tài đặc biệt, cần đối xử một cách đặc biệt. HÌnh như đã có một bản sắc Bình Định trong sáng tạo nghệ thuật từ tuồng, đến bài chòi, đến thơ. Bảo vệ bản sắc rất cần tiếp nối bản sắc bằng sáng tạo, không chỉ cho riêng Bình Định mà còn cho cả nước. Hãy thử tưởng tượng, sẽ như thế nào khi Bình Định xuất hiện một Đào Tấn, Nguyễn Diêu hay Xuân Diệu của thế kỷ XXI!