Liên hoan “Trích đoạn tuồng Đào Tấn”: Nhìn nhận thực trạng để bảo tồn di sản
Như tin đã đưa, trong các ngày 12-14.9, tại TP Quy Nhơn diễn ra Liên hoan “Trích đoạn tuồng Đào Tấn”. Đây là lần đầu tiên một liên hoan được dành cho các vở tuồng do Đào Tấn sáng tác, chỉnh lý. Liên hoan đã để lại dấu ấn về nghệ thuật tuồng Đào Tấn và đặt ra những vấn đề trong công tác bảo tồn di sản văn hóa.
Đa dạng trích đoạn tuồng Đào Tấn
10 đoàn nghệ thuật hát bội đến từ 5 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều lựa chọn các trích đoạn hay, tạo điều kiện cho diễn viên thể hiện tài năng. Có những đoàn lựa chọn trùng vở diễn, nhưng có lối diễn khác nhau làm cho Liên hoan thêm phong phú, đa dạng, nhiều sắc màu. Trong đó, có thể kể đến Đoàn Trần Quang Diệu biểu diễn trích đoạn “Liễu Nguyệt Tiêm thượng thành” trong vở Đào Phi Phụng; Đoàn Sao Mai biểu diễn trích đoạn “Lão tạ sa cơ” trong vở Tam nữ đồ vương; Đoàn An Nhơn 2 biểu diễn trích đoạn “Lữ Bố hí điêu thuyền” trong vở Phụng Nghi đình; Đoàn Sông Kôn biểu diễn trích đoạn “Lan Anh lạc đẻ” trong vở Hộ sanh đàn; Đoàn Ngô Mây biểu diễn trích đoạn “Liễu Nguyệt Tiêm thượng thành” trong vở Đào Phi Phụng; Đoàn Tuy Phước biểu diễn trích đoạn “Châu Thương gặp Quan Công” trong vở Cổ Thành; Đoàn Nhơn Hưng biểu diễn trích đoạn “Tế sống Tạ Ngọc Lân” trong vở Tam nữ đồ vương; Đoàn Ánh Dương biểu diễn trích đoạn “Liễu Nguyệt Tiêm thượng thành lớp cuối” trong vở Đào Phi Phụng; Đoàn tuồng Phước An biểu diễn trích đoạn “Long sơn trại đến Lan Anh lạc đẻ” trong vở Hộ sanh đàn; Đoàn An Nhơn 1 biểu diễn trích đoạn “Kim Lân thượng thành” trong vở Sơn Hậu.
Đoàn nghệ thuật hát bội Tuy Phước biểu diễn trích đoạn “Châu Thương gặp Quan Công” trong vở Cổ Thành.
Ông Trương Đông Hải, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL - Trưởng Ban tổ chức Liên hoan, nhận xét: “Nhiều nghệ nhân tham gia Liên hoan có giọng hát hay, khỏe, trong sáng, rõ lời, kết hợp với các vũ đạo một cách thuần thục đã lột tả rõ nét tính cách và nội tâm nhân vật. Nhiều đào, kép đã thành danh những năm qua, tiếp tục thể hiện “độ chín” trong những vai chính, vai khó trong tuồng cổ. Một số trích đoạn có diễn viên, nghệ nhân chỉ đóng vai phụ nhưng cũng đạt đến trình độ điêu luyện”.
Liên hoan đã thu hút người dân và các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đến xem. Một số khán giả đã có những phần thưởng động viên các diễn viên hoàn thành tốt các trích đoạn vở diễn. Cụ Lương Văn Ái (91 tuổi), nhà ở phường Đống Đa, cho biết: “Sức khỏe yếu nhưng đêm diễn nào tôi cũng nhờ cháu dìu đi xem. Không diễn bài bản và xuất sắc như diễn viên trong các vở tuồng Đào Tấn mà tôi đã được xem từ cách đây mấy chục năm, nhưng một số đoàn cũng có được trích đoạn hay nhờ có đào, kép vững nghề”.
Nỗi lo “hậu” Liên hoan
Bên cạnh thành công, tại cuộc họp đánh giá tổng kết, Ban tổ chức Liên hoan đã nêu lên những hạn chế của các đoàn. Một số diễn viên đã “cương” thêm lời để hiện nét riêng nhưng không phù hợp với tuồng Đào Tấn. Một số nghệ nhân khi đảm nhận các vai khó đã bộc lộ hạn chế về hình thức nghệ thuật làm giảm đi cái hay cái đẹp, như cách sử dụng binh khí, đạo cụ không đúng với tính cách nhân vật. Có diễn viên ra sân khấu nhưng quên đạo cụ, hoặc dùng đạo cụ không phù hợp làm giảm cảm hứng cho người xem. Sử dụng phục trang của nhân vật ở một số trích đoạn đôi khi tùy tiện…
Ông Hoàng Việt, người am hiểu nghệ thuật tuồng Đào Tấn nhờ sự truyền dạy kỹ lưỡng từ người cha “đệ nhất danh ca” Hoàng Chinh, chia sẻ: “Xem biểu diễn nhiều trích đoạn trong Liên hoan, có đêm tôi về trằn trọc không ngủ trước thực trạng các đoàn nghệ thuật hát bội đang thiếu kịch bản tuồng Đào Tấn, các nghệ nhân được dạy theo kiểu truyền khẩu không chính xác, nên khi biểu diễn lại đã nhầm lẫn “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Điều này xuất phát từ nguyên nhân quan trọng là kịch bản tuồng Đào Tấn gần như được viết bằng Hán ngữ, các câu từ mang tính điển cố điển tích… đòi hỏi mỗi diễn viên muốn diễn đúng, diễn hay phải thuộc tuồng, hiểu tuồng và có thầy chỉ dạy một cách bài bản. Vì vậy, ba tôi luôn nhấn mạnh rằng “phi văn học bất thành nghệ thuật”.
Theo tìm hiểu từ một số nghệ nhân ở các đoàn hát bội không chuyên, những hạn chế trong việc dàn dựng các trích đoạn tuồng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nghệ nhân Bảo Hiến, Trưởng Đoàn nghệ thuật hát bội Ánh Dương ở huyện Phù Cát, cho biết: “Muốn diễn được đúng tuồng Đào Tấn đòi hỏi các yêu cầu khó, nhưng lực lượng nghệ nhân ở các đoàn hiện nay không còn lại mấy diễn viên đủ khả năng thể hiện tốt. Phải thuộc tuồng tích, biết chữ Hán, thì người xem tuồng Đào Tấn mới cảm nhận được nhiều cái hay mà những năm qua khán giả am hiểu tuồng Đào Tấn ngày càng hiếm. Thực tế khán giả hiện nay chỉ thích xem các vở tuồng có nội dung gần gũi, dễ hiểu. Đó là lý do phần lớn các đoàn đều đã không còn diễn tuồng Đào Tấn, có chăng chỉ trong những dịp hát án. Tôi thấy tuồng Đào Tấn hiện nay đã mất đi rất nhiều, xem các bạn nghề diễn trong Liên hoan có những chỗ khập khiễng, không còn những mảng miếng độc đáo như ngày xưa tôi từng được xem, được dạy”.
HOÀI THU
mình năm nay 20t, mình đã đam mê nghệ thuật tuồng từ nhỏ nhưng không có cơ hội để tham gia. Bây giờ vẫn còn....
Cách bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng Đào Tấn hay nhất, hiệu quả nhất là làm sao để các vở tuồng của ông vẫn sống, vẫn được diễn và từ đó, tác động đến người xem bằng hiệu quả nghệ thuật. Các đoàn hát bội không chuyên từ bao năm nay đã có công này. Tuy nhiên không vì bất cứ lý do gì mà diễn sai đi, có thể do năng lực biểu diễn mà diễn viên không diễn tả hết nội tâm, cốt cách nhân vật theo ý đồn nghệ thuật của cụ Đào nhưng tuyệt nhiên diễn viên không được phép diễn sai, từ ngôn từ đến đạo cụ vì như vậy sẽ làm sai lệch ý đồ nghệ thuật của tác giả, gây tác động ngược đến bảo tồn, hạ thấp giá trị nghệ thuật của tuồng Đào tấn đã được bao thế hệ công nhận và tôn vinh. Thiết nghĩ câu chuyên không hiểu hết ngôn từ nghệ thuật của tuồng Đào Tấn, các đoàn tuồng không chuyên thiếu kịch bản tuồng của ông, thiếu sự tập huấn chuyên môn cho các diễn viên không chuyên...đã tồn tại từ lâu cần được ngành chức năng quan tâm hỗ trợ khắc phục nhược điểm này để phát huy hơn nữa vai trò rất quan trọng của các đoàn tuồng không chuyên trong việc bảo tồn tuồng Đào Tấn