Đôi điều ghi nhận từ một cuộc giao lưu
Ở hay về? Học xong, tìm kiếm một công việc tốt với mức lương cao ở nước ngoài, hay về Việt Nam làm việc, cống hiến và đóng góp cho đất nước, hẳn là điều khiến nhiều du học sinh băn khoăn. Trong cuộc giao lưu, trò chuyện giữa các sinh viên giỏi, du học sinh cả nước với Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu và Giáo sư Phùng Hồ Hải, Viện phó Viện Toán học Việt Nam mới đây tại TP Quy Nhơn (trong khuôn khổ chương trình Hội trại “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc”, 8.2015), trăn trở trên đã được các giáo sư chia sẻ.
Giáo sư Ngô Bảo Châu và Giáo sư Phùng Hồ Hải (ngồi giữa và bìa phải) trò chuyện với sinh viên, du học sinh tại Trường ĐH Quy Nhơn.
Anh Trần Quang Hưng, 25 tuổi, một lãnh đạo của tổ chức Global Sharpers (Kiến tạo địa cầu) ở Hà Nội, cựu du học sinh Mỹ, đặt câu hỏi: “Các giáo sư có lời khuyên nào cho các du học sinh mong muốn trở về quê hương, bởi nhiều bạn băn khoăn, làm sao để cống hiến hết mình khi trở về?”. Bạn Phùng Anh Thu, lớp 12A9, Trường THPT Quốc học Quy Nhơn thì hỏi Giáo sư Ngô Bảo Châu về mức độ chênh lệch giữa môi trường học tập ở Việt Nam và nước ngoài và những khó khăn mà các du học sinh gặp phải khi trở về quê hương lập nghiệp. Còn sinh viên Lê Thanh Tiến, lớp K35, Khoa Địa lý - Địa chính, ĐH Quy Nhơn cũng mong hai giáo sư chia sẻ quan điểm, suy nghĩ về việc du học sinh đi tìm môi trường học tập tốt hơn rồi không trở về vì đặt lợi ích của bản thân trên lợi ích của đất nước…
Là người “trong cuộc”, anh Trần Quang Hưng cho biết xu hướng của nhiều du học sinh, nhất là những người nhận học bổng bán phần hoặc du học tự túc, là muốn trở về các thành phố lớn ở Việt Nam hoặc quê hương của mình làm việc, nhưng lại sợ khó hòa nhập với môi trường làm việc ở quê nhà.
Giáo sư Ngô Bảo Châu có vẻ trầm ngâm nhưng thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ của mình về những vấn đề trên. Giáo sư nói, vì bản thân ông lựa chọn học xong và ở lại nước ngoài nên khó có thể có lời khuyên sâu sắc nhất dành cho các bạn, nhưng ông chia sẻ: “Theo tôi, ở lại không có nghĩa là không yêu nước. Tôi cũng như các bạn trẻ, cũng cần tiếp cận, làm việc và học lấy cách làm việc trong những môi trường tiên tiến để có thể bằng cách này hay cách khác mang kinh nghiệm về nước. Sự “trở về” cũng có nhiều cách khác nhau, miễn có “hạt giống” yêu nước trong tim”.
Nhiều câu hỏi được các bạn học sinh, sinh viên nêu lên với các giáo sư.
Còn với Giáo sư Phùng Hồ Hải thì bày tỏ ông may mắn khi về nước và tìm được cơ hội làm việc ở Viện Toán học Việt Nam. Song, Giáo sư Hải quan niệm: “Hạnh phúc của các bạn phải do chính các bạn lựa chọn và quyết định điều gì có lợi nhất. Nếu chúng ta về quê hương với suy nghĩ hy sinh và đóng góp thì đó là sai lầm. Phải nhìn thấy cái lợi khi về quê hương làm việc thì mới đúng. Về vì có lý do tôi muốn về, và tôi phải làm được điều gì có lợi ở đó thì người ta mới cần tôi”.
Hiện nay, có nhiều sinh viên giỏi, du học sinh nước ngoài, kể cả tiến sĩ, là người Bình Định, trở về Việt Nam làm việc. Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, người Quy Nhơn, vốn là sinh viên giỏi nhất nước Anh và nằm trong top 100 sinh viên giỏi nhất thế giới năm 2006, khi còn trong cương vị Giám đốc nhân sự và chiến lược sản phẩm của Học viện Yola ở Hà Nội, chia sẻ: “Sau 10 năm học tập và làm việc tại Anh và Mỹ, tôi quyết định trở về Việt Nam lập Học viện Yola để hiện thực hóa mong ước của bản thân: đóng góp cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, đồng thời truyền ngọn lửa đam mê học tập cho giới trẻ”.
Chia sẻ vấn đề này, một tiến sĩ người gốc Bình Định từ Hàn Quốc trở về, làm việc tại một doanh nghiệp lớn ở TP Quy Nhơn được 3 năm nay, bộc bạch: “Trở về Quy Nhơn làm việc, tôi hoàn toàn thích nghi với môi trường làm việc mới. Tôi hài lòng với những gì mình lựa chọn bởi ở đây tôi có cuộc sống an bình, hạnh phúc cùng gia đình nhỏ và ba mẹ, anh chị em”.
Do đó, với các du học sinh, khi lựa chọn trở về quê hương, tuy cũng phải cân nhắc, “nâng lên đặt xuống” về “được” và “mất”, nhưng nếu tự tin và biết rõ khả năng, nhu cầu của bản thân thì cơ hội vẫn không thiếu.
HẢI YẾN