Khởi đầu của hy vọng
Bắt đầu từ hôm qua (16.9), 9 cán bộ y tế của tỉnh Champasak (Cộng hòa DCND Lào) chính thức bắt đầu học tập tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Đây là hoạt động thiết thực, được kỳ vọng sẽ nâng cao đáng kể chất lượng khám chữa bệnh ở địa phương còn nhiều khó khăn của nước bạn.
Champasak nằm ở phía Nam nước Lào, điều kiện đi lại khó khăn, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt là lĩnh vực da liễu và chấn thương chỉnh hình. Đây cũng là nơi phụ trách vấn đề y tế cho 3 tỉnh khác là Attapeu, Sekong, Salavan.
Từ nỗi khó nhiều bề
Hiện tại, khoa Da liễu của BVĐK tỉnh Champasak chỉ có 4 cán bộ, trong đó có 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng, kinh nghiệm chăm sóc điều trị bệnh nhân da liễu còn hạn chế. Cơ sở vật chất chật hẹp, chưa có giường bệnh nội trú; chưa được trang bị các thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác khám, chẩn đoán, điều trị các bệnh da liễu, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và bệnh phong.
Đoàn học viên của tỉnh Champasak chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa tại lễ khai giảng khóa học.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Champasak Vat Kongkeo cho hay, khoa Xét nghiệm của BVĐK tỉnh Champasak cũng chưa triển khai được các xét nghiệm cần thiết trong chẩn đoán bệnh da liễu, bệnh phong và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nguyên nhân chính là cán bộ chưa qua đào tạo và thiếu hóa chất cần thiết để thực hiện.
Đặc biệt, cách thành phố Pakse hơn 30km, Sở Y tế tỉnh Champasak đang quản lý một làng phong với 239 bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân tàn tật nặng, như lỗ đáo viêm xương, cụt rụt ngón tay chân, bàn chân biến dạng… cần được phẫu thuật, cung cấp giày dép và các loại dụng cụ chỉnh hình. “Trong khi đó, cán bộ mạng lưới ở đây còn mỏng, chưa được đào tạo về chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân phong. Hơn nữa, kỹ thuật làm giày chỉnh hình cũng chưa đạt yêu cầu”, ông Vat Kongkeo cho biết.
Mở ra hy vọng
Sáng 16.9, Khieophone Khamphoumy (nhân viên y tế của làng phong Champasak) bắt đầu làm quen với công việc ở xưởng giày dép - dụng cụ chỉnh hình của Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương Quy Hòa. Chàng trai 24 tuổi này được các kỹ thuật viên ở đây giới thiệu 3 loại giày cơ bản dành cho người bệnh phong mà anh cần học cách làm để về áp dụng ở nơi mình làm việc. Kỹ thuật viên giày dép- chỉnh hình Nguyễn Văn Quế chia sẻ rằng, học làm giày cho bệnh nhân phong vốn đã khó, với người bất đồng ngôn ngữ thì càng khó gấp bội. Thế nhưng, cả thầy lẫn trò đều rất quyết tâm.
“Ở bên Lào có nhiều người mắc bệnh phong, nhưng lại chưa có vật tư y tế phục vụ cho họ. Tôi rất vui khi được sang đây để học cách làm giày cho người bệnh. Tôi sẽ cố gắng học thật tốt để về quê làm việc hiệu quả”, Khieophone khẳng định.
Từng có 2 năm học ngành dược ở Huế, dược sĩ đại học Southida Volavongkam nói tiếng Việt khá sõi. Ngoài thời gian học phương pháp pha chế thuốc bôi ngoài da tại khoa Dược, chị còn tranh thủ làm phiên dịch cho các đồng nghiệp. Southida chia sẻ rằng, ở nơi chị làm việc chỉ cấp phát thuốc có sẵn, chứ chưa thể pha chế được. Sắp tới, sẽ có một bệnh viện mới được xây dựng với nhiều trang thiết bị mới. Học ở Quy Hòa về, chị sẽ làm việc ở đó, trực tiếp thực hiện pha chế thuốc, giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân hơn.
Bên cạnh sản xuất giày chỉnh hình cho bệnh nhân phong và phương pháp pha chế thuốc bôi ngoài da, các học viên của nước bạn còn được đào tạo về xét nghiệm trong chuyên khoa da liễu, kỹ thuật chăm sóc da, chăm sóc điều trị lỗ đáo và phòng tránh tàn tật trong bệnh nhân phong, chăm sóc bệnh nhân da liễu. Mỗi chương trình đào tạo đều có thời gian riêng cho hoạt động kiểm tra, đánh giá mức độ tiếp thu của học viên.
Chương trình đào tạo trên nằm trong kế hoạch hợp tác “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phong - da liễu và một số bệnh khác tại BVĐK tỉnh Champasak giai đoạn 2015 - 2017”. Theo Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa Nguyễn Thanh Tân, đây là một kế hoạch có tính bền vững, từng bước khắc phục những khó khăn trong khám, chữa bệnh về bệnh phong, da liễu và một số bệnh chuyên khoa khác ở BVĐK tỉnh Champasak, giúp người bệnh dễ tiếp cận và hưởng dịch vụ y tế cao hơn về lâu dài.
“Hơn nữa, hoạt động này còn góp phần nhỏ bé vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc Việt - Lào ngày càng bền vững”, bác sĩ Tân chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG