Bệnh van tim - những lời khuyên hữu ích
Mới đây, bệnh nhân Huỳnh Văn X. (55 tuổi, ở TP Quy Nhơn) vào BVĐK tỉnh vì mệt và hồi hộp đánh trống ngực, qua thăm khám bệnh nhân được chẩn đoán bị hẹp van 2 lá có biến chứng rung nhĩ. Bệnh nhân được xử trí nhằm tránh các biến chứng gây huyết khối trong lòng mạch, có thể gây nặng nề về sau. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân xuất viện và được hẹn tái khám theo định kỳ.
Bệnh van tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây bệnh lý van tim thường gặp nhất ở Việt Nam là thấp tim. Thấp tim thường gây dày dính, co kéo, vôi hóa hệ thống van tim, làm cho van bị hẹp, lâu ngày dẫn đến đóng không kín gây bệnh cảnh hẹp - hở van, thường gặp nhất là van hai lá và van động mạch chủ. Các nguyên nhân gây bệnh lý van tim ít gặp hơn như bẩm sinh (do sa van), do nhồi máu cơ tim (đứt dây chằng cột cơ gây hở van tim thường gặp nhất là van hai lá), do giãn các buồng tim trong bệnh lý suy tim do tăng huyết áp, bệnh cơ tim chu sản, bệnh cơ tim giãn vô căn…
Đáng chú ý, ngày nay bệnh van tim có xu hướng trẻ hóa, phần lớn cũng vì lối sống kém lành mạnh của những người trẻ, như lười vận động, ăn uống không hợp lý, stress vì công việc...
Nếu bị hở van tim nhẹ thì thường không có dấu hiệu, triệu chứng rõ ràng. Chỉ khi bệnh đã nặng có thể gây biến chứng, gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác, làm suy thận, suy tim… Mỗi loại van tim lại có dấu hiệu khác nhau, tuy nhiên, bệnh hở van tim thường có những biểu hiện chính như khó thở khi bị hở van tim, hoạt động tuần hoàn của cơ thể, đặc biệt là hở van động mạch phổi thì người bệnh sẽ thấy khó thở, nhất là khi nằm xuống. Do tim không tuần hoàn mang máu đi nuôi cơ thể nên người bệnh cảm thấy mệt mỏi. Nếu lao động nặng, quá sức có thể dẫn đến ngất xỉu. Ngoài ra, còn một số dấu hiệu như hoa mắt, chóng mặt, ho nhiều nhất là vào ban đêm, sưng chân hoặc mắt cá chân.
Bệnh van tim ở những giai đoạn đầu chưa có triệu chứng lâm sàng hay chưa có biểu hiện về suy tim nếu được chữa trị đúng mực thì có thể tạo cho bệnh nhân cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, ở những giai đoạn nặng về sau khi đã ảnh hưởng lớn đến chức năng của tim sẽ gây mệt, khó thở và người bệnh sẽ tử vong vì các biến chứng như nhiễm trùng, tắc mạch não, nhồi máu cơ tim. Khi tim đã suy yếu không còn khả năng cung cấp máu cho toàn bộ cơ thể cũng gây ra tình trạng suy đa phủ tạng.
Để ngừa bệnh hở van tim cần ngăn ngừa thấp tim, nhất là cẩn trọng với các trường hợp viêm họng do liên cầu khuẩn. Có thể ngăn ngừa biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bằng dùng kháng sinh dự phòng trước khi làm các thủ thuật như nhổ răng... Nếu bị sa van hai lá mà có hở van thì phải khám thường xuyên để các bác sĩ kiểm tra và làm các xét nghiệm cần thiết. Tập thể dục 30-60 phút mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Nên ngừng tập thể dục nếu cảm thấy đau ngực, đau lưng, đau vai, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, mệt, nhịp tim đập nhanh hoặc đập chậm…
BS PHAN THANH LÂM