Lạm thu đầu năm học: Phụ huynh bức xúc vì cơ quan quản lý làm ngơ
Xem ra, đầu năm học mới, không ít thì nhiều, hầu như trường nào cũng có tình trạng lạm thu với những khoản rất “trời ơi, đất hỡi”.
Mẫu giáo càng lạm thu cao
Không phải chỉ có các cháu học tiểu học, trung học mới phải đóng các khoản “không có trong danh mục” mà nhiều trường mẫu giáo cha mẹ học sinh cũng phải “cắn răng” nộp những khoản tiền không có trong qui định.
Phụ huynh trường Mầm non Mai Lâm (Đông Anh) bức xúc khi phải đóng 500.000 đồng tiền lắp điều hòa, trong khi điều hòa là của những lớp trước tặng lại cho nhà trường. Một phụ huynh cho biết: “Điều hòa của lớp lớn tặng lại cho nhà trường là để các con vào sau không phải nộp nữa nhưng chẳng hiểu vì sao mà nhà trường vẫn thu. Đã thế, tất cả phụ huynh nào con không có hộ khẩu ở khu vực xã Mai Lâm đều phải đóng một khoản tiền “hỗ trợ” nhà trường. Dù là khoản này đóng tự nguyện, nhưng cô hiệu trưởng lấy ví dụ là nhiều phụ huynh vào thường ủng hộ nhiều thì mức 2-3 triệu, ít thì vài trăm đến 1 triệu nên khoản này là tùy tâm. Để con mình được yên ổn học tập, đa số các phụ huynh đều đóng góp phí “hỗ trợ” theo gợi ý của cô hiệu trưởng 500.000 đồng”. Vị phụ huynh này còn cho biết, tất cả các khoản thu đều không có chứng từ gì.
Nhiều cha mẹ có con học mầm non chia sẻ, nhà trường yêu cầu đóng mức nào cũng cố gắng đóng, không dám phản ứng gì. Vì các cháu bé quá chưa biết tự vệ, nếu cha mẹ phản ứng chẳng may cô ghét lại phạt con không cho ăn uống, đánh đòn… thì khổ lắm.
Năm nay, trường Tiểu học Dịch Vọng A (Cầu Giấy) không cần phải dựa vào hình thức tự nguyện để thu phí, ngay từ khi mới nhập học, ban giám hiệu nhà trường đã viết rất rõ ràng lên bảng, ngoài việc “bắt” các phụ huynh mua sách, đồng phục thì nhà trường cũng yêu cầu rõ, học sinh phải mua vở viết có logo của nhà trường do Cty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà sản xuất. Nhiều phụ huynh sau khi “toát mồ hôi” nhập học cho con xong cho biết, trong tình trạng quá tải như hiện nay, nhập học được cho con là may lắm rồi nên cô bảo mua gì, đóng gì cũng chỉ biết gật thôi.
Đâu là giải pháp?
Bức xúc là vậy nhưng tại sao “lạm thu” vẫn có đất sống, thậm chí sống khỏe mà không ai bị làm sao?
Trước hết, về phía phụ huynh học sinh, họ bức xúc đấy, cắn răng để nộp tiền đấy, nhiều người còn phải “è cổ”, bắt con nhịn ăn, nhịn mặc để đóng nhưng họ vẫn chịu đựng cho tới khi con họ không đi học nữa thì thôi. Vậy tại sao họ không dám công khai lên tiếng? Tất cả là vì hai chữ “bình yên”. Những người dám đứng ra phản đối gay gắt tình trạng lạm thu ở các trường có thể thấy chỉ là số ít. Nhiều người đồng cảm, chia sẻ với họ nhưng họ vẫn lẳng lặng nộp tiền cho xong, để con họ có một năm yên ổn học tập. Có phụ huynh ra mặt phản đối một số khoản thu của nhà trường lập tức con họ “lãnh đủ”. Trong trường hợp này nhiều người nói vui với nhau “Cha mẹ dại, con cái phải mang”.
Còn về phía nhà trường, lâu nay chưa có chế tài nào để xử lý tình trạng này. Chưa có cuộc thanh tra, kiểm tra nào bài bản về việc thu – chi các quỹ “ngoài luồng” trong các trường học. Rải rác đâu đó có tình trạng lạm thu bị phát hiện, xử lý thì biện pháp khắc phục là “trả lại phụ huynh số tiền thu sai”, chứ chưa có ai bị đuổi việc, giáng chức. Thêm vào đó, lâu năm có kinh nghiệm nên nhiều trường có các diễn giải các khoản thu này nghe rất “lọt tai”. Ví dụ như, trong lúc các loại vật giá đều tăng, nhà trường muốn các con sử dụng khăn ướt dùng một lần có kiểm định an toàn hẳn hoi thay vì việc phải giặt khăn như trước kia. Khoản tiền này các phụ huynh không phải đóng mà sẽ lấy từ tiền chăm sóc bán trú... Nhưng sau đó, các phụ huynh sẽ được ký cam kết một số khoản thu. Rõ ràng, nếu trường nào không có lạm thu thì phụ huynh sẽ không phải ký cam kết?!
Ngoài ra, dư luận còn bày tỏ sự nghi ngờ có sự bao che của chính cơ quan quản lý đối với việc lạm thu của các trường. Bởi nếu không có sự bao che thì bao nhiêu năm qua tại sao các trường ngang nhiên thu các khoản này mà không có ai nhắc nhở, xử lý. Việc làm này công khai, diễn ra nhiều năm, bị dư luận lên án, phản đối mạnh mẽ… vậy lý do gì mà vẫn ngang nhiên tồn tại?
Và một điều nữa, Bộ GD-ĐT cần kiên quyết xử lý triệt để vấn đề thỏa thuận, tự nguyện tại các trường học bằng việc bảo đảm cho con em của người dám đứng ra tố cáo không bị trù dập. Cùng với đó, xử lý nghiêm Ban Giám hiệu trường vi phạm các khoản thu – chi ngoài danh mục, có như vậy thì mọi việc sẽ đi vào quỹ đạo và hàng năm sẽ bớt nóng chuyện “lạm thu”.
Theo Vũ Hạnh/VOV