Bảo hiểm Xã hội Việt Nam lên tiếng về BHYT học sinh, sinh viên
Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh thừa nhận đây là lỗi của BHXHVN. Tuy nhiên, chính sách BHYT cần phải có thời gian để thấm đến mọi người dân.
Báo cáo tại cuộc họp báo thông tin về việc thu BHYT học sinh sinh viên năm học 2015-2016 diễn ra chiều 16.9, ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT cho rằng, năm học 2015-2016 là năm bản lề trong việc thực hiện chính sách BHYT. Bởi vì, đây là năm đầu tiên thực hiện triển khai luật bổ sung BHYT.
Ông Phạm Lương Sơn cho biết, đối với học sinh sinh viên (HS-SV), giai đoạn này rất nóng và nóng hơn là việc thay đổi về mức đóng từ 3% đến 4,5% và thay vì thu theo năm học bằng việc thu theo năm tài chính.
Nhóm HS-SV tham gia đóng BHYT chiếm tỷ lệ cao
Ông Sơn cho biết, trong các năm qua, công tác BHYT HS-SV luôn được tổ chức, thực hiện hiệu quả với sự phối hợp giữa ngành BHXH, Giáo dục và Đào tạo, Y tế. Tỷ lệ HS-SV tham gia BHYT tăng dần qua các năm.
Bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc BHXHVN
Năm 2010 – 2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HS-SV tham gia BHYT; năm 2012 – 2013 tỷ lệ này là khoảng 80%, năm học 2013 – 2014 là 85% và đến năm học 2014 – 2015 là 88,5% tương ứng với khoảng 15 triệu HS-SV tham gia BHYT, trong đó có khoảng 12,3 triệu học sinh sinh viên tham gia tại trường. Như vậy, nhóm đối tượng HS-SV tham gia BHYT chiếm tỷ lệ lớn.
Ông Sơn khẳng định, năm học 2015 – 2016, chúng ta thực hiện Luật BHYT bổ sung và vấn đề xuyên suốt ngoài việc mục tiêu hướng tới BHYT toàn dân với những lộ trình hết sức cụ thể, cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, luật sửa đổi bổ sung luật BHYT đã đưa ra giải pháp.
Trong đó giải pháp về cơ chế hết sức quan trọng rằng: quy định toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc để thực hiện BHYT. Cho nên các ngành, các cấp phải tham gia, vào cuộc và coi đây là nhiệm vụ chính của mình. Vì vậy, trọng luật BHYT sửa đổi đã có điều khoản hết sức cụ thể cho các bộ ngành.
Ông Sơn cũng đưa ra một số ví dụ thời gian qua đã có một số thông tin rất ít cô giáo chủ nhiệm nói rằng làm hộ ngành BHXH. Ông Sơn khẳng định: Luật BHYT sửa đổi đã quy định tại điều 7B, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện đối với các đối tượng thuộc ngành mình quản lý. Đó là các em học sinh sinh viên.
Điều 17 còn quy định rất cụ thể, phải hướng dẫn, chỉ đạo, lập danh sách cụ thể BHYT do Bộ quản lý. Thông tư cũng quy định rất rõ về việc thu, đóng BHYT của đối tượng HS-SV. Điểm mới, bắt đầu năm học 2015 – 2016, sẽ thực hiện thu BHYT học sinh theo năm tài chính. Tức là thẻ BHYT có giá trị từ ngày 1.1 năm đó cho đến 31.12. Chính vì vậy, năm học này, sẽ có 3 tháng chuyển tiếp tháng 10, 11 và 12. Trước đó, BHYT đang thu theo năm học.
Xem tỉ lệ mua BHYT của HS-SV là mục tiêu thi đua
Ông Sơn nhấn mạnh: “Có một số trường coi tỉ lệ mua BHYT của HS-SV là mục tiêu thi đua. Tôi cho rằng đây là giao ước rất có trách nhiệm vì BHXH, Bộ Y tế đề nghị và được Chính phủ chấp nhận là chỉ tiêu tham gia BHYT của các địa phương được xem là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương, là một trong các chỉ tiêu tính vào thi đua các ngành, địa phương. Và ngành giáo dục cũng coi đây là một chi tiêu và việc chăm sóc sức khỏe cho HS-SV thông qua BHYT vừa mang tính nhân văn vừa đảm bảo tính hợp lý của cơ chế tài chính y tế trong thông tư mới”.
Dẫn chứng báo cáo của BHXH các tỉnh, hầu hết các trường đã ký hợp đồng để phát triển BHYT, BHXH đã tổ chức ký hợp đồng với 25.425 trường học cả nước và có những chỉ đạo, cùng những ký kết giữa BHXH với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, đến nay hầu hết các tỉnh đã triển khai BHYT học sinh. Trong đó có còn 5 tỉnh thành tổ chức thu theo năm học như các năm học trước. 58 tỉnh thành còn lại triển khai phối hợp thu theo năm tài chính.
Tuy nhiên, vẫn có 8/58 tỉnh thành đó triển khai thu 15 tháng. Đây là một trong những vấn đề mà báo chí quan tâm và cũng là 1 trong các điểm nóng đối với phụ huynh học sinh. Và chúng tôi đã kịp thời trao đổi qua điện thoại với TP HCM triển khai thu theo năm tài chính nhưng có phân kỳ (phân kỳ ở đây là thực hiện theo đúng chỉ đạo của BHXHVN). Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành công văn chỉ đạo Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học phân kỳ thu 6 tháng, tránh dồn thu tập trung vào đầu năm học để tạo thêm những khó khăn cho phụ huynh.
Liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, ông Sơn nêu rõ: Đây là một trong các quyền lợi mang tính đặc thù của HS-SV. Chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) là một nội dung được ngành y tế quan tâm và HS-SV ở Việt Nam được hưởng quyền lợi đó. BHXHVN đã chỉ đạo BHXH các tỉnh ký hợp đồng, tạm ứng kinh phí ban đầu theo kinh phí của BHYT. Trong năm 2015, cơ quan BHXH đã ký hợp đồng với 44 y tế cơ quan thuộc các trường học địa phương tuyến xã và tuyến huyện…
Nói về tình hình thu chi BHYT, BHXH mới có con số của năm 2014 – 2015. Theo đó, chi CSSKBĐ đã chi 582 tỷ đồng và ước 6 tháng đầu năm của năm 2015 đã chi 285 tỷ đồng. Tại Hà Nội, tổng số cơ sở giáo dục được cấp kinh phí CSSKBĐ là 61,1 tỷ đồng (2.098 trường) và TP HCM là 67,9 tỷ đồng (1.148 trường).
“Hiện nay, thực trạng chăm sóc sức khỏe y tế ban đầu ở các trường học tại một số địa phương chưa đạt yêu cầu, điều kiện như Thông tư 41 quy định. Đây cũng là một trong các khó khăn cản trở quyền lợi cho các cháu học sinh. Chính vì vậy, BHXHVN đang tích cực với ngành giáo dục để đảm bảo y tế trường học đủ điều kiện cả về chuyên môn và trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cháu ý như nha học đường, mắt học đường và những sơ cứu ban đầu đảm bảo sức khỏe, ổn định cho các cháu trong suốt quá trình theo học tại trường”, ông Sơn thừa nhận.
Ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho rằng: do việc tuyên truyền, hướng dẫn chưa sâu rộng nên dẫn đến việc nhiều phụ huynh không hiểu và chưa đủ thông tin gây nên xáo trộn.
Ông Liệu phân tích về mức thu nay năm như sau: mức lương tối thiểu cơ sở x 4,5% = 51.000 đồng/tháng sau đó trừ đi hỗ trợ ngân sách Nhà nước (30%) còn lại 1 tháng học sinh sinh viên chỉ đóng hơn 40.000 đồng/tháng.
Coi BHYT là an sinh thiết yếu?
Bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc BHXHVN nói: “Giá như chúng tôi tổ chức cuộc họp báo này sớm hơn một chút sẽ không xảy ra tình trạng như vậy và các bạn có thể đồng hành, chia sẻ với BHXHVN hơn”. Bà Minh cũng thừa nhận đây là lỗi của BHXHVN. Tuy nhiên, bà Minh cho rằng: chính sách này cần phải có thời gian để thấm đến mọi người dân. Và nó cũng phải trải qua một quá trình kiểm nghiệm thực tế.
Bà Minh nhấn mạnh: “Chúng ta cũng phải khẳng định rằng, BHYT HS-SV, BHYT nói chung là những nhu cầu an sinh thiết yếu của một con người. Sau chuyện cơm ăn, nước uống, đi lại, học hành và sức khỏe là vấn đề quan trọng nhất của một con người. Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng hết sức quan tâm. Nghị quyết của Đảng đã có, thể chế luật pháp cũng đã thể hiện tính ưu việt”.
Giải thích tại sao chúng ta gọi là BHYT bắt buộc? Bà Minh trả lời: vì nó là an sinh thiết yếu. Nếu nhìn rộng ra các nước, việc đầu tiên là đóng BHYT rất cao. Nói thật, nhiều gia đình cũng rất khó khăn nhưng khi vào học ở đất nước họ phải tuân thủ theo đất nước của họ mà chẳng kêu ca gì?. Chẳng hạn như ở Australia phải đóng 2.000 USD/1 năm. Cho nên, ở Việt Nam hiện nay, các bạn thấy từ 3% lên 4,5% lại kêu là cao.
Đúng tăng lên nhưng số tuyệt đối thấy rằng chỉ hơn những năm trước hơn 100.000 đồng, điều quan trọng hơn là Đảng, Nhà nước Việt Nam đã hỗ trợ cho những nhóm khó khăn, yếu thế như: con em người nghèo (100%), quân nhân, công an (100%), người cận nghèo tối thiểu là 70% là chính sách của nhà nước còn lại là hầu hết các địa phương. Như vậy, số nào phải đóng BHYT, đó là con em những gia đình bình thường, không phải là gia đình nghèo và chỉ đóng với mức 70% (tương đương với 424.000 đồng).
“Cho nên, người bình thường chúng ta phải chấp nhận đóng cao một chút để hưởng chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn. Tôi nghĩ đều đó là cần thiết. Nếu nghiên cứu kỹ, chúng ta phải hiểu điều đó chứ. Bây giờ chúng ta vào viện thấy nhếch nhắc, giường bệnh 3-4 người nằm chung. Bác sĩ của Việt Nam rất giỏi nhưng cứ bó tay như vậy. Nếu chúng ta không ủng hộ bao giờ mới có nền y tế Việt Nam tốt lên được?
Tất nhiên chúng ta không đòi hỏi, nhưng phải đặt trong điều kiện của mình. 100.000 nâng lên 1 năm cũng đáng quý đối với người dân nhưng nếu chúng ta bỏ ra để con em có chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn – đó là nhu cầu an sinh thiết yếu. Vì thế, chúng ta phải cố gắng để con em được hưởng dịch vụ tốt. Tôi rất chia sẻ với những bác sĩ, họ là những người rất giỏi, trình độ không kém gì quốc tế. Có những người, cuối tuần bay sang Singapore để chữa bệnh.
Nếu chúng ta không ủng hộ họ thì bao giờ mới nền y tế của Việt Nam tốt hơn được. Vì ngân sách của nền y tế rất nhỏ cho nên chúng ta phải huy động nguồn vốn của cả cộng đồng để những người bị bệnh nặng vào bệnh viện để được chẩn đoán tốt, chữa bệnh tốt”, bà Minh lý giải.
Theo Thu Thủy/VOV