Xuất khẩu lao động ở Vĩnh Thạnh: Mở hướng thoát nghèo bền vững
Từ mô hình xuất khẩu lao động (XKLÐ) phát huy hiệu quả ở xã Vĩnh Thịnh thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh đang tập trung thực hiện các giải pháp để thúc đẩy phong trào này phát triển, mở ra hướng thoát nghèo mới cho người dân địa phương.
Những thành công bước đầu
Ông Nguyễn Hữu Tạng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, cho biết: Phong trào XKLĐ của xã xuất phát từ thôn An Nội. Ban đầu chỉ có một vài hộ tham gia, sau thấy nhiều nhà kinh tế khá hẳn nhờ XKLĐ như hộ ông Võ Thành Long (ở Xóm Mít), Võ Văn Huệ (ở Xóm Bàu), nên một số hộ khác trong thôn cũng đăng ký đi XKLĐ. Chính quyền xã đã lấy thôn An Nội làm điển hình để tuyên truyền, nhân rộng phong trào XKLĐ ra các thôn khác trong xã. Kết quả là, chỉ trong 2 năm qua, cả xã Vĩnh Thịnh có gần 30 người tham gia XKLĐ tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaisia. Hiện trong thôn còn 5 lao động đã học xong tiếng Hàn Quốc đang chờ thủ tục gọi đi làm việc.
Gia đình ông Võ Thành Long là một hộ điển hình ở thôn An Nội, xã Vĩnh Thịnh, thoát nghèo nhờ XKLĐ. Gia đình ông hiện có 4 người đang làm việc tại Hàn Quốc. Ông Long bộc bạch: “Tôi nói với các con rằng đi XKLĐ thực chất cũng là đi làm thuê xứ người, các con sang bên đó cố gắng làm việc, dành dụm chút vốn liếng để sau lập nghiệp. Cũng mừng là các con biết bảo ban nhau chí thú làm ăn, tích cóp dành dụm. Mỗi tháng một đứa gửi về 15- 17 triệu đồng, tính ra mỗi năm để dành gần được 200 triệu”.
Không chỉ ở xã Vĩnh Thịnh, trong 2 năm gần đây, lao động ở các xã khác như: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa, Vĩnh Sơn và Vĩnh Thuận cũng đăng ký tham gia XKLĐ. Mỗi năm một xã có từ 5- 7 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Vũ Thượng Hải, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Thực hiện Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, công tác XKLĐ ở huyện Vĩnh Thạnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ năm 2010 đến nay, Vĩnh Thạnh đã vận động được 95 người đi XKLĐ, trong đó trên 50% lao động làm việc tại các thị trường lao động Hàn Quốc và Nhật Bản.
Phong trào đi XKLĐ không những đem lại nguồn thu nhập cho các gia đình cải thiện cuộc sống mà còn thông qua đó có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn, xóm. Chính vì vậy, công tác XKLĐ luôn được địa phương quan tâm, xem đây là một trong những hướng đi mới trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Đào tạo lao động “đạt chuẩn” nước ngoài
Trước đây, công tác XKLĐ ở Vĩnh Thạnh gặp rất nhiều khó khăn, có năm chỉ đưa được hơn 10 trường hợp đi XKLĐ, trong khi nguồn lao động địa phương rất dồi dào. Một trong những nguyên nhân chính khiến người dân không mặn mà đi XKLĐ là do chưa thay đổi được thói quen, tập quán sinh hoạt; chưa quen với lề lối, tác phong làm việc theo kiểu công nghiệp; chất lượng lao động, trình độ văn hóa của người lao động chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhất là các vị trí làm việc có thu nhập cao.
Mặt khác, đa số lao động tại huyện Vĩnh Thạnh đi LĐXK đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, nên chi phí ban đầu bỏ ra để được đi XKLĐ là vấn đề lớn đối với người dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Để người dân tin tưởng và kịp thời nắm bắt cơ hội làm việc tại nước ngoài, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội (25 triệu đồng/người) thực hiện các chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, gia đình chính sách.
Năm 2015, huyện Vĩnh Thạnh xây dựng kế hoạch đưa từ 50 - 55 lao động đi XKLĐ, tuy nhiên đến thời điểm này mới chỉ có 5 lao động đã đi làm việc, còn 16 trường hợp nữa đang chờ thi tuyển. Theo ông Long, việc này là do người lao động không thích chọn thị trường lao động dễ tính như Malaisia vì thu nhập thấp mà chọn thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc vì lương cao hơn. Tuy nhiên, đây là hai thị trường lao động “khó tính”, yêu cầu khắt khe đối với người lao động hơn nên một số lao động địa phương chưa đạt đủ tiêu chuẩn.
Ông Long cũng cho biết, để đẩy mạnh công tác XKLĐ, huyện Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, các xã, thị trấn và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về XKLĐ, đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với người dân các huyện nghèo, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ. Bên cạnh đó, trong thời gian đến huyện tổ chức hội nghị tư vấn trực tiếp tại các xã, thị trấn; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác dạy nghề gắn với XKLĐ nhằm đào tạo lao động có tay nghề, trình độ, hiểu biết pháp luật và phong tục tập quán của nước sở tại.
XUÂN DŨNG