KỶ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG THUẬN NINH (18.9.1965 - 18.9.2015)
Chiến thắng tiêu biểu trong đánh Mỹ và thắng Mỹ
Chiến thắng Thuận Ninh (ở thôn Thuận Ninh, xã Bình Tân, Tây Sơn) cách đây tròn 50 năm đánh dấu sự phối hợp tác chiến hiệu quả của quân chủ lực Sư đoàn 3 - Sao Vàng với quân và dân Bình Ðịnh, lập nên chiến công vang dội trong đánh Mỹ và thắng Mỹ ở chiến trường Khu 5.
Xã Bình Tân, nơi diễn ra trận đánh lịch sử 50 năm trước, nay đã có nhiều thay đổi nhanh chóng.
- Trong ảnh: Một góc trung tâm xã Bình Tân. Ảnh: ĐÀO MINH TRUNG
Những ngày này, các CCB Sư đoàn 3 - Sao Vàng như thấy mình vẫn đang sống trong không khí hào hùng của chiến thắng năm ấy, dù lịch sử đã lùi xa 50 năm và những người lính quả cảm năm xưa nay đã bước sang tuổi thượng thọ. Thời điểm diễn ra trận đánh Thuận Ninh, đại tá Lê Hữu Lộc (81 tuổi, quê ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn - hiện đang sống tại TP Đà Nẵng), là Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2, còn đại tá Đỗ Phú Đáp (gần 90 tuổi, hiện đang sống tại TP Đà Nẵng), là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2, trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 2 đánh địch, vẫn nhớ như in từng chi tiết của trận đánh lịch sử ấy.
Đại tá Lê Hữu Lộc nhớ lại: Thời điểm đó, Sư đoàn 3 - Sao Vàng vừa mới thành lập được hơn nửa tháng. Sau khi Sư đoàn thành lập thì Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 2 từ căn cứ Hoài Ân bí mật hành quân vào Thuận Ninh luyện quân chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Cùng lúc, “đánh hơi” việc di chuyển đội hình của Sư đoàn 3, quân Mỹ đã bất ngờ đổ quân đánh vào Thuận Ninh.
Đúng 5 giờ 30 phút sáng 18.9.1965, hàng chục lượt máy bay phản lực của địch bất ngờ dội bom ào ạt xuống thung lũng Thuận Ninh; cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 cùng với quân địa phương khẩn trương đưa dân xuống các hầm trú ẩn và giao thông hào. Tiếng bom vừa dứt, hàng chục máy bay trực thăng vũ trang xối xả bắn rốc két và trọng liên vào các lùm cây, mô đất còn sót lại. Được máy bay và pháo binh yểm trợ, 6 giờ 30 phút cùng ngày, 60 máy bay lên thẳng ập tới đổ 2.000 lính dù Mỹ xuống các đồi gò và bãi bằng trong thung lũng Thuận Ninh. Địch triển khai đội hình, định bao vây tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 2 của Sư đoàn 3.
Vào thời điểm ấy, ngoài LLVT địa phương, bộ đội chủ lực Quân khu đang đóng ở Thuận Ninh chỉ có Tiểu đoàn 2. Tương quan lực lượng nghiêng hẳn về phía địch. Mặc dù ít hơn về số lượng, kém hơn về hỏa lực và trang bị nhưng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 đã sát cánh cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích, triệt để lợi dụng địa hình, phân tán thành các phân đội nhỏ chặn đánh địch quyết liệt.
Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt từ sáng đến tận chiều tối, quân ta vẫn giữ vững trận địa. Hoàn toàn bất ngờ trước tinh thần chiến đấu ngoan cường và những đòn đánh trả sấm sét của ta, quân Mỹ buộc phải rút lui với những tổn thất nặng nề: 200 lính Mỹ chết, 11 máy bay bị bắn rơi... Chiến dịch hành quân đánh vào hậu cứ Thuận Ninh của địch hoàn toàn thất bại. Sau cuộc hành quân này, phía Mỹ đã phải thừa nhận: “Quân giải phóng và du kích ở thung lũng Thuận Ninh đánh rất giỏi, được tổ chức tốt và có kỷ luật cao”.
Đại tá Lê Hữu Lộc cho biết thêm, trận Thuận Ninh xảy ra rất bất ngờ, khi Tiểu đoàn 2 đang trên đường hành quân và chỉ trú chân tại Thuận Ninh. Nhưng nhờ chủ động và có sự phối hợp tốt cùng lực lượng địa phương, nên ngay từ phút đầu quân chủ lực và du kích đã nổ súng chặn đánh địch một cách quyết liệt, mưu trí diệt từng phân đội Mỹ. Trên bình diện Quân khu, sau chiến thắng Núi Thành (Quảng Nam) và Vạn Tường (Quảng Ngãi), chiến thắng Thuận Ninh là tiếng súng mở màn giòn giã cho phong trào thi đua lập công “quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” đang dấy lên trên chiến trường Quảng Ngãi - Bình Định.
Qua trận đánh không cân sức này, LLVT huyện Bình Khê (nay là Tây Sơn) đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác hợp đồng tác chiến giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.
Sau chiến thắng Thuận Ninh, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 - Sao Vàng phối hợp với quân và dân Bình Định liên tiếp lập nhiều chiến công oanh liệt, giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Ðịnh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần chiến thắng Thuận Ninh
Phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần chiến thắng Thuận Ninh, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Tây Sơn tiếp tục khai thác tối đa những lợi thế, tiềm năng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của cấp trên, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi chủ trương của Ðảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH nhanh và bền vững. Huyện tập trung chỉ đạo phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xúc tiến đầu tư vào các cụm công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa và thân thiện với môi trường, phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới; tăng trưởng mạnh thương mại, dịch vụ, khai thác tốt các công trình di tích, lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng tâm của huyện. Huyện gắn kết phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...
Đồng chí TẠ XUÂN CHÁNH, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn
NGUYỄN PHÚC