TỪ ÐẠI HỘI ÐẾN ÐẠI HỘI
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ VIII (1971 - 1973) và lần thứ IX (1973 - 1975)
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ VIII (1971 - 1973)
Giữa lúc quân và dân toàn tỉnh trên đà tiến công và nổi dậy giành thắng lợi mới, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII tiến hành từ ngày 15 - 21.9.1971 tại làng Tà Lăng, xã Bok Bang, huyện Vĩnh Thạnh. Dự Đại hội có 132 đại biểu chính thức thay mặt cho 5.070 đảng viên của 545 chi, đảng bộ cơ sở trong toàn tỉnh.
Báo cáo chính trị tại Đại hội tập trung tổng kết tình hình Đảng bộ và phong trào cách mạng địa phương từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII (11.1968), đi sâu phân tích, đánh giá sự lãnh đạo của Đảng bộ qua 3 năm chống phá các kế hoạch “bình định nông thôn” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đưa phong trào cách mạng tiến lên ngày càng cân đối, toàn diện, vững chắc. Đại hội đánh giá sự chuyển biến phong trào cách mạng trong tỉnh 3 năm qua gắn liền với công tác xây dựng Đảng.
Trong phương hướng nhiệm vụ mới, Nghị quyết Đại hội nhấn mạnh: Phát triển thế tiến công bằng 3 mũi giáp công ở 3 vùng, phát động 3 cao trào quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhiệm vụ trước mắt là quyết tâm giành thắng lợi lớn trong Đông - Xuân 1972, làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch, thực hiện xuất sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư chúc Tết Kỷ Dậu 1969: “Đánh cho Mỹ cút...”.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VIII gồm 31 đồng chí; Ban Thường vụ 9 đồng chí. Đồng chí Đặng Thành Chơn được bầu lại làm Bí thư. Tháng 9.1972, đồng chí Nguyễn Trung Tín làm Bí thư thay đồng chí Ðặng Thành Chơn về Khu ủy 5.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ IX (1973 - 1975)
Nhằm tạo một bước chuyển biến mới về tư tưởng trong Đảng bộ và quân, dân toàn tỉnh, từ ngày 6 - 12.11.1973, tại làng K10, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX được tổ chức. Dự Đại hội có 139 đại biểu chính thức thay mặt cho 6.419 đảng viên ở 587 chi bộ, đảng bộ cơ sở trong toàn tỉnh.
Đại hội đã tổng kết những nét lớn của phong trào cách mạng địa phương 19 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1973), đi sâu phân tích, đánh giá tình hình gần 1 năm đấu tranh thi hành Hiệp định Paris.
Đại hội cũng tập trung kiểm điểm, đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ 1971 - 1973. Những ưu điểm cơ bản của Đảng bộ là: Nội bộ đoàn kết, nhất trí, quyết tâm chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng và vận dụng sát với thực tiễn địa phương, chống phản kích, lấn chiếm và “bình định” của địch... Về khuyết điểm, Đại hội chỉ rõ: Đánh giá tương quan lực lượng ta - địch tại chỗ cơ bản là đúng, song từng lúc từng nơi chưa chính xác và cụ thể; chỉ đạo phương châm, phương thức, sách lược đấu tranh trong giai đoạn mới có lúc chệch choạc; chỉ đạo công tác tư tưởng chưa sắc bén, chỉ đạo xây dựng thực lực cách mạng và vùng ta còn nhiều thiếu sót...
Đại hội đề ra nhiệm vụ: Ra sức đánh bại lấn chiếm, “bình định” của địch, khôi phục vùng ta, giành và giữ dân, mở rộng vùng làm chủ, phát triển thực lực ta.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa IX gồm 31 đồng chí, Ban Thường vụ 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Trung Tín được bầu làm Bí thư.
Đại hội Đảng bộ lần thứ IX đánh dấu bước ngoặt phát triển mới của phong trào cách mạng địa phương và sự trưởng thành của Đảng bộ.
* Giai đoạn nhập tỉnh
Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, thực hiện Nghị quyết 245-NQ/TW, ngày 20.9.1975 của Bộ Chính trị về việc bỏ khu, hợp tỉnh và Nghị quyết số 19/NQ, ngày 20.12.1975 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh, hợp nhất một số tỉnh phía Nam, tháng 2.1976, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định về giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi được sáp nhập thành tỉnh Nghĩa Bình.
Sau khi hợp nhất tỉnh, Thường vụ Khu ủy 5 có Nghị quyết công nhận Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình gồm 31 đồng chí (chưa kể 8 đồng chí quân sự còn chờ ý kiến Quân khu ủy). Đồng chí Lê Tấn Tỏa làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Kiểm tra Đảng.