Trình Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)
Chiều 17.9, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Báo chí (sửa đổi).
Tờ trình nêu rõ, sửa đổi Luật Báo chí hiện hành là để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và để các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra, như các vấn đề: Đảm bảo thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; quyền tiếp cận thông tin của báo chí; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin cho báo chí; các hành vi, nội dung bị cấm thông tin trên báo chí để bảo đảm “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng; sức khỏe hoặc đạo đức xã hội”.
Qua 16 năm thi hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy; báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin. những vấn đề đáng lo ngại như: cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng; xu hướng “thương mại hoá” chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra. Nhiều thông tin trên báo chí thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; nhiều nội dung tin bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút. Quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, các hành vi bị cấm, cung cấp thông tin cho báo chí, vai trò quản lý nhà nước, vai trò của cơ quan chủ quản báo chí... chưa điều chỉnh kịp thời những nảy sinh trong thực tiễn hoạt động báo chí, chưa phát huy được hiệu lực và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí giai đoạn hiện nay; quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí nhưng cơ chế đảm bảo quyền này chưa cụ thể.
Trong thực tiễn hoạt động báo chí đã có nhiều vấn đề đã vượt ra ngoài các quy định của pháp luật như: cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình, vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí, vấn đề kinh tế báo chí, tên gọi và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí... Hơn nữa, các quy phạm về báo chí được quy định trong nhiều văn bản, phân tán, chồng chéo cần được pháp điển hóa đưa vào luật để nâng cao tính pháp lý và thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.
Dự thảo Luật Báo chí lần này gồm 6 chương với 60 điều, trong đó có 31 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành đã nhận được sự tán thành cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là sự cần thiết, các quan điểm sửa đổi Luật gắn liền với việc thể hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin.
Những vấn đề lớn được sửa đổi, bổ sung đã nhận được các ý kiến thảo luận, bao gồm quy định về một số đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, loại hình hoạt động của cơ quan báo chí, chức danh người đứng đầu, tổng biên tập cơ quan báo chí, đặc biệt là quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí...
Các ý kiến cho thấy những nội dung khá phức tạp, nhạy cảm trong các vấn đề liên quan đến khung pháp lý hoạt động báo chí.
Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao với quan điểm một số trang thông tin điện tử không phải là báo chí vì thế không đưa vào dự luật. Mặt khác, để phù hợp với chủ trương quy hoạch hoạt động báo chí, mô hình báo chí được ủng hộ với mục tiêu do một cơ quan có nhiều loại hình báo chí, nhiều ấn phẩm, vì vậy, sẽ có Tổng giám đốc phụ trách chung, còn sau đó là Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập phụ trách riêng từng ấn phẩm hoặc nhóm ấn phẩm, loại hình hoặc một nhóm loại hình báo chí.
Các đại biểu cũng đề cập tới hình thức báo chí điện tử hiện phát triển rất mạnh và cho rằng cần có sự quan tâm đúng mức với loại hình báo chí này khi có tính tương tác cao và là kênh hữu hiệu để người dân thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
* Trước đó, trong buổi sáng, Bộ Y tế cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc xây dựng và ban hành Nghị định về trang thiết bị y tế. Đây tuy là văn bản dưới luật nhưng là cơ chế quan trọng và cần thiết khi trang thiết bị y tế là một loại hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế, hỗ trợ cho người thầy thuốc trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân được chính xác, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.
Trong khi đó, hiện chưa có văn bản nào mang tính đồng bộ, thống nhất để quản lý tất cả các vấn đề liên quan đến trang thiết bị y tế. Một số vấn đề tuy đã có quy định nhưng chưa rõ ràng nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý trang thiết bị y tế như việc quản lý cấp giấy phép nhập khẩu chỉ thực hiện đối với 50 chủng loại trang thiết bị y tế nhưng trên thực tế thì số lượng chủng loại trang thiết bị y tế lớn hơn số đang quản lý rất nhiều. Chưa có quy định về điều kiện cụ thể của tổ chức thực hiện việc đánh giá độc lập đối với sản phẩm thiết bị y tế; quy định về nhãn hàng hóa không phù hợp với đặc thù của trang thiết bị y tế cũng như thông lệ quốc tế.
Theo Nguyên Linh (Chinhphu.vn)