Cơ quan báo chí mắc sai phạm: Cần nâng trách nhiệm Tổng biên tập?
Có ý kiến cho rằng tổng biên tập có trách nhiệm rất lớn khi đăng tải thông tin lên báo nên Luật Báo chí cần quy định cho tương xứng.
Chưa rõ trách nhiệm
Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc sửa Luật Báo chí nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót của báo chí. Bởi thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại như: cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng; xu hướng “thương mại hoá” chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra.
Trong khi đó quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, các hành vi bị cấm, cung cấp thông tin cho báo chí, vai trò quản lý nhà nước, vai trò của cơ quan chủ quản báo chí... chưa điều chỉnh kịp thời những nảy sinh trong thực tiễn hoạt động báo chí, chưa phát huy được hiệu lực và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí giai đoạn hiện nay.
Về trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo cơ quan báo chí, nhiều điều trong dự thảo luật quy định người đứng đầu cơ quan chủ quản, người được cử trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm của cơ quan báo chí; tổng biên tập, phó tổng biên tập và nhà báo đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin báo chí.
“Quy định như trên chưa làm rõ trách nhiệm của từng chức danh về hoạt động báo chí nói chung và về nội dung thông tin báo chí nói riêng của cơ quan báo chí, rất khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra sai phạm", ông Đào Trọng Thi- Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá- Giáo dục- Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói.
Do vậy, cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị cần nghiên cứu, quy định lại theo hướng xác định ai là người chịu trách nhiệm chính, ai liên đới chịu trách nhiệm và mức độ trách nhiệm của từng chức danh về các sai phạm trong hoạt động và về nội dung thông tin báo chí.
Quy định trách nhiệm của Tổng Biên tập còn nhẹ nhàng
Bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng dự thảo quy định trách nhiệm của cơ quan chủ quản và nhà báo “căng” hơn tổng giám đốc, tổng biên tập là chưa phù hợp.
Quy định cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm là không sai nhưng chưa thoả đáng bởi Luật quy định báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in phát sóng là điểm tiến bộ nhưng cũng vì vậy mà nội dung đăng tải được cập nhật trong khi cơ quan chủ quản không biết.
“Bắt người ta chịu trách nhiệm là bất khả thi và cứ bắt thì phải chịu chứ còn ông chủ quản có được đọc đâu, tổng biên tập quyết hết, đặc biệt là báo điện tử đăng tin bài liên tục trong ngày. Mức độ trách nhiệm đến đâu cũng cần phải lấy ý kiến. Vừa rồi anh Tuấn (ông Trương Minh Tuấn- Thứ trưởng Bộ TT&TT- PV) “thổi còi” nhiều tờ báo nhưng đâu có thổi còi cơ quan chủ quản, chỉ nhắc nhở”, bà Mai băn khoăn.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội thì tổng biên tập có trách nhiệm rất lớn khi đưa thông tin lên mặt báo. Do đó, dự thảo luật cần theo hướng quy trách nhiệm lớn nhất là tổng Giám đốc, tổng biên tập và nhà báo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị cần quan tâm đến mô hình tập đoàn/tổ hợp truyền thông đa phương tiện hiện, có nhiều loại hình báo chí đang là xu hướng phát triển tất yếu của báo chí nước ta để có những quy định phù hợp, rõ trách nhiệm.
“Xu thế tập đoàn, tổ hợp báo chí có nhiều loại hình khác nhau thì luật này chưa điều chỉnh. Như Nhân dân, VOV, VTV, TTXVN đi theo hướng tổ hợp tập đoàn đa phương tiện, có đầy đủ loại hình thì giờ phân biệt trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm chuyên môn... như thế nào chưa rõ. Tổng giám đốc chịu trách nhiệm đến đâu, phó tổng Giám đốc rồi TBT, Giám đốc mỗi kênh có trách nhiệm thế nào?”, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Ông Đào Trọng Thi- Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội cho rằng, để phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng chức danh không nên xếp tổng biên tập vào hàng lãnh đạo cơ quan báo chí mà xác định tổng biên tập là người phụ trách nội dung thông tin của một sản phẩm báo chí (ấn phẩm báo chí in, kênh phát thanh truyền hình, chuyên trang báo chí điện tử…) của cơ quan báo chí.
Theo Ngọc Thành (VOV)