Vẫn là... chủ quan!
Để thực hiện mục tiêu giảm từ 5% - 10% số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT), Chính phủ đã yêu cầu Bộ GT-VT chủ trì rà lại các chế tài để tăng cường xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT). Theo dự thảo đã được đưa ra lấy ý kiến trước khi ban hành, nhiều lỗi vi phạm sẽ có mức phạt cao gấp đôi hoặc nhiều hơn mức phạt cũ.
Mặc dù mới chỉ là dự thảo nhưng dư luận xã hội cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau về mức phạt này. Phía ủng hộ tăng mức phạt cho như thế là cần thiết để tăng tính răn đe. Phía khác cho như thế là quá cao, không phù hợp với khả năng kinh tế của nhiều đối tượng nên khó khả thi. Một luồng ý kiến khác thì cho rằng mức phạt quá cao dễ dẫn đến tiêu cực khi người thi hành công vụ có thể thỏa thuận với người vi phạm để hai bên… “cùng có lợi”, còn nhà nước thì sẽ… thất thu (!).
Việc có nhiều luồng ý kiến khác nhau về một chính sách hay quy định sắp ban hành là bình thường. Việc tổ chức thực hiện ra sao, hiệu quả như thế nào… thì phải chờ thời gian trả lời trong thực tế. Tuy nhiên, từ các ý kiến thu thập được các cơ quan có trách nhiệm sẽ có sự tiếp thu, điều chỉnh để có phương án hợp lý, tối ưu nhất để chính thức đưa ra thực hiện theo mục tiêu đã xác định.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả đảm bảo ATGT thì việc xác định nguyên nhân chủ yếu gây TNGT, từ đó có giải pháp khắc phục triệt để các mặt hạn chế mới là điều quan trọng nhất. Thống kê của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) cho thấy, mặc dù TNGT trên địa bàn cả nước giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương, tuy nhiên, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là những vụ tai nạn do xe khách gây ra khiến nhiều người chết, bị thương...
Đáng chú ý, nguyên nhân chủ yếu gây ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện. Thực tế cho thấy, vấn đề quản lý vận tải đối với xe tư nhân và quản lý lái xe vẫn còn nhiều bất cập và đang bị buông lỏng. Sức ép về lợi nhuận khiến nhiều lái xe, chủ xe đã vi phạm các quy tắc giao thông để tranh giành khách; ép quay vòng nhanh, quay vòng liên tục gây áp lực cho lái xe dẫn tới TNGT. Những lỗi chủ quan thường gặp nhất của người điều khiển phương tiện giao thông để xảy ra tai nạn là: cố gắng lái xe trong khi mệt mỏi, buồn ngủ. Người phóng nhanh tin vào khả năng lái xe của mình. Người nói chuyện điện thoại nghĩ mình có thể kiểm soát được tay lái...
Theo phân tích của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trên 90% nguyên nhân của những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng từ đầu năm đến nay là do chủ quan của người lái xe. Các biểu hiện điển hình là: xử lý tình huống không tốt, lái xe liên tục nhiều giờ nên mệt mỏi, ngủ gật, chạy quá tốc độ, lấn làn, lấn đường... Đáng lưu ý, có không ít vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là do lái xe có kinh nghiệm gây ra khi quá ỷ lại bản năng, tin vào kinh nghiệm mà lơ là mất cảnh giác, gây TNGT.
Một điều cần lưu ý là những vụ tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra vào khoảng thời gian chiều tối đến rạng sáng là thời điểm có ít lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường.
Chính vì vậy, để hạn chế được tình trạng TNGT, một trong những vấn đề quan trọng là phải nâng cao đạo đức, trách nhiệm của người lái xe. Bởi lẽ, dù có áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ đến đâu, chế tài xử phạt vi phạm nặng đến mức nào đi nữa thì cũng mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ vẫn cứ phải là ý thức chủ quan của người lái xe trong việc chấp hành tốt các quy định của Luật Giao thông.
H.Đ