Tuyên truyền bình đẳng giới: Đa dạng hóa để tăng hiệu quả
Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng được Đảng, Nhà nước ta đặt ra trong thời kỳ đổi mới. Để đạt mục tiêu này, rất cần đến sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng đóng vai trò hết sức cần thiết.
Tối 11.9, tại UBND phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) đã diễn ra Hội thi Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trên địa bàn thị xã An Nhơn năm 2015. Những cơn mưa rào không ngăn được bước chân của các cổ động viên, không chỉ của đội nhà Nhơn Hòa mà cả 2 đội khách - phường Bình Định và xã Nhơn Thọ. Trong đó, chiếm phần lớn là phái “mày râu”. Ông Phạm Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, Trưởng ban tổ chức hội thi - nói vui: “Trước khi tổ chức, tôi có dặn dò anh em rằng, phải làm sao lôi kéo được các ông đến dự, để mà hiểu mà thấm, chứ chuyện bình đẳng giới mà chỉ chị em nói rồi tự nghe thì sao mà hiệu quả được!”.
Bà Lê Thị Vinh Hương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó trưởng ban thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh (giữa) trao giải Nhất cho đội thi phường Bình Định.
Hội thi có 3 phần thi: chào hỏi, xử lý tình huống và tiểu phẩm. Điểm nhấn của hội thi chính là phần thi tiểu phẩm mang đậm chất “cây nhà lá vườn”. Mỗi đội tự lên kịch bản, dàn dựng, trình bày một tiểu phẩm thuộc các thể loại ca kịch, dân ca, hò vè… với nội dung tuyên truyền về tình hình thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, những giải pháp góp phần làm thay đổi hành vi, thái độ định kiến giới, đặc biệt là trong gia đình.
Đội thi của phường Nhơn Hòa mở màn đầy ấn tượng với tiểu phẩm “Bữa cơm muộn màng”. Một người đàn ông nghiện rượu, hung hăng, hất đổ cả bữa cơm vợ con cất công chuẩn bị. Cảnh bạo hành thường xuyên xảy ra trong gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, đặc biệt là đời sống tinh thần của đứa con gái nhỏ. Chị Phạm Thị Phương Nga - hội viên phụ nữ nòng cốt ở phường Nhơn Hòa - vào vai người vợ chịu cảnh bạo ngược bởi người chồng suốt ngày say xỉn. Giọng hát ngọt ngào của chị để lại cảm xúc thật sự với người xem, khi chuyển tải nỗi đau của người phụ nữ trong gia đình chất chứa lắm bất công qua những làn điệu dân ca.
Trong khi đó, tiểu phẩm “Hạnh phúc suýt bị đánh rơi” của đội thi phường Bình Định lại phản ảnh một thực tế nhức nhối khác: nhiều ông chồng kiên quyết trói buộc vợ mình trong không gian chật chội của căn bếp. Và, cái giá để được thoát ra khỏi cảm giác bức bối ấy là… ly hôn. Còn đội thi xã Nhơn Hòa lại nói về “Chuyện không của riêng ai” - chuyện vợ chồng khắc tính như “cái dùi với cái mõ”, chuyện những ông chồng “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”… Trên sân khấu, diễn viên không chuyên nhập vai như kể chuyện trong nhà mình, dưới hàng ghế khán giả vang lên nhiều câu bình luận: “I sì như xóm tui!”.
Tiểu phẩm “Bữa cơm muộn màng” của đội thi phường Nhơn Hòa.
Và như vậy, thành công lớn nhất của hội thi chính là tạo được sự quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới trong cộng đồng dân cư. Khán giả - nhất là nam giới - có dịp nhìn nhận đúng đắn hơn về quyền của người phụ nữ trong gia đình. Ở chiều ngược lại, các cán bộ cơ sở tham gia hội thi cũng thu nhận được nhiều điều bổ ích. Anh Trịnh Phú Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân phường Nhơn Hòa, chia sẻ: “Tham gia hội thi này, chúng tôi phải tìm hiểu, củng cố nhiều kiến thức liên quan. Đồng thời học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền về bình đẳng giới của các đội bạn, từ đó phục vụ tốt hơn nhiệm vụ trong thực tế ở địa phương”.
Trước đó gần 1 tháng, hội thi nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cũng được tổ chức tại xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước). Hội thi này cũng mang lại hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến về thực hiện bình đẳng giới. Theo bà Lê Thị Vinh Hương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó trưởng ban thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, sự thành công của các hội thi đã đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong công tác truyền thông về bình đẳng giới.
“Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách làm, không thể mãi đọc luật, nghị định với rất nhiều chương, nhiều điều, rất khó nhớ. Để người dân hiểu và thực hiện đúng, cần phải hướng đến phương châm “mưa dầm thấm lâu”, phải dùng nhiều hình thức tuyên truyền thật sinh động, gần gũi, vận dụng những câu chuyện thực tế ở địa phương, sử dụng chính những tấm gương về bình đẳng giới ngay trong cộng đồng dân cư”, bà Hương đúc kết.
NGUYỄN VĂN TRANG