“Người giữ lửa” cho lân, sư, rồng
Đó là anh Nguyễn Việt Điệp (SN 1964, ở xóm 5, thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước). Anh không chỉ múa lân giỏi mà còn là người có đôi tay tài hoa làm ra những chiếc đầu lân, sư, rồng... rực rỡ sắc màu, cung cấp cho các đội lân khắp nơi.
Chúng tôi tìm về thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì để gặp anh Nguyễn Việt Điệp - người được giới thiệu là múa lân hay mà làm đầu lân cũng đẹp. Nhà anh ở trong một con hẻm nhỏ (gần Ga Diêu Trì), khi chúng tôi đến anh đang cặm cụi hoàn thiện mấy chiếc đầu lân, sư tử chuẩn bị cho các đội lân phục vụ Tết Trung thu sắp đến.
Từ đam mê múa lân…
Vừa làm việc vừa trò chuyện, anh bảo: “Nghề gì cũng có sự đam mê. Tôi thích múa lân từ nhỏ. Ban đầu tập tành múa những động tác đơn giản đến phức tạp. Tiếng trống và những tiếng hò reo của các em nhỏ trước những chú lân, sư tử, rồng múa đẹp luôn kích thích tôi…”.
Anh Nguyễn Việt Điệp đang hoàn thiện sản phẩm lân, rồng cho mùa Trung thu năm nay.
Anh kể, sau ngày giải phóng, nhất là những năm 90 của thế kỷ trước ở thị trấn Diêu Trì rộ lên phong trào múa lân vào các dịp lễ, tết cổ truyền, đặc biệt là Tết Trung thu hàng năm. Các đội lân trong thị trấn thi nhau sắm sửa “bộ nghề” (gồm: lân, sư, rồng và những nhân vật ngộ nghĩnh như thầy trò Đường tăng, ông Địa...), hăng say tập luyện và mang đến khán giả những màn biểu diễn đặc sắc. Vào mỗi dịp Tết Trung thu, bà con các thôn xóm lại lũ lượt tập trung trước khoảng đất trống của HTXNN, sân đình làng để xem múa lân, múa rồng… Một đội lân truyền thống, bài bản khi ấy ít nhất cũng từ 23 - 25 người, sau đó do yêu cầu cơ động nhanh đến các địa điểm và nhu cầu nhân lực người ta giảm bớt (đội chỉ còn khoảng trên dưới 10 người).
Đến với nghệ thuật múa lân từ những năm 90 của thế kỷ trước, bằng niềm đam mê và lòng nhiệt tình, cộng thêm tinh thần ham học hỏi, anh Điệp sớm khẳng định tài nghệ, định hình phong cách biểu diễn. Để trình diễn nghệ thuật múa lân truyền thống, anh lập riêng một đội lân có kỹ năng tốt, phối hợp nhuần nhuyễn từng động tác sinh động và đẹp mắt. Hàng năm, vào mỗi dịp Trung thu, Tết Nguyên đán, hoặc ngày hội khai trường... đội lân của anh được các địa phương, trường học mời biểu diễn. Đặc biệt, từ năm 2001 đến 2007, đội lân của Nguyễn Việt Điệp liên tục đoạt giải cao tại các Hội thi lân do địa phương, huyện, tỉnh tổ chức.
... đến nghề làm đầu lân, sư, rồng
Những năm gần đây vì điều kiện tuổi tác và gánh nặng kinh tế gia đình, nhiều thành viên của đội lân chuyển làm việc khác. Tuy vậy, anh Điệp vẫn một lòng gắn bó với nghề, thầm lặng “giữ lửa” phong trào múa lân địa phương.
Ông Lê Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Diêu Trì, nhận xét: “Anh Nguyễn Việt Điệp là một trong số ít nghệ nhân còn giữ được cách thức chế tạo lân, sư, rồng. Các sản phẩm của anh khá độc đáo, mới mẻ về hình thức và đảm bảo được chất lượng, góp phần phát triển phong trào múa lân địa phương nói riêng và huyện nhà nói chung”.
Hàng ngày, bên cạnh công việc bốc xếp ở Ga Diêu Trì, anh vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê chế tác nên những đạo cụ múa lân (gồm: đầu lân, sư, rồng...) với khung tre và dùng đất sét đắp làm mẫu. Đây là nét độc đáo trong tác phẩm của anh. Theo anh Điệp, để làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh, phải mất ít nhất 2 tuần. Trải qua nhiều công đoạn, như đất sét được ủ kỹ, có độ dẻo để tạo mẫu tốt. Sản phẩm bằng giấy dán tách ra từ mẫu được trang trí màu sắc và vải kim sa có nét sinh động...
“Mỗi đầu lân hiện có giá từ 4 - 5 triệu đồng/con, sư tử khoảng 7 triệu đồng/cặp, rồng khoảng 6 triệu đồng/con. Sau khi trừ chi phí, mỗi mùa lân cũng kiếm được 10 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Điệp không chạy theo lợi nhuận kinh tế mà chủ yếu làm đầu lân, sư, rồng từ niềm đam mê, sở thích là chính. Anh lấy giá hữu nghị và chỉ làm theo đơn đặt hàng hoặc khi địa phương nhờ anh giúp đỡ”, chị Lương Thị Lệ Thủy (vợ anh Điệp), cho hay.
Ngoài anh Nguyễn Việt Điệp, ở thị trấn Diêu Trì hiện còn có các anh Đào Quốc Cường, Đào Long, Nguyễn Luận... cũng làm đầu lân, sư, rồng nhưng sản phẩm của anh Điệp được nhiều người ưa chuộng. “Tuy vậy, hiện nay trên thị trường song song với những đạo cụ múa lân làm ra từ thị trấn Diêu Trì với nét đẹp truyền thống… là sự xuất hiện nhiều sản phẩm lân nhập từ Trung Quốc với giá cả rất cạnh tranh dù trên đó đầy những đường nét văn hóa ngoại lai. Làm sao để “lưu giữ” những con lân, sư, rồng mang nét đẹp truyền thống, đậm đà sắc thái địa phương thật là khó…”, anh Nguyễn Việt Điệp trăn trở.
KIM CƯƠNG