Góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi):
Cần đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã đề xuất những quy định mới nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo bộ luật này do Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức mới đây, các đại biểu đều cho rằng cần xem xét thận trọng những quy định mới để phù hợp với bối cảnh hiện nay cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh tình trạng nhờn luật.
Tăng tính nghiêm minh của luật
Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một nội dung mới của dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi so với BLHS hiện hành, nhằm góp phần hạn chế việc bỏ lọt đối tượng phạm tội. Nội dung này được nhiều đại biểu tập trung thảo luận. Vì từ trước đến nay, để xử lý hình sự, cơ quan chức năng buộc phải cá thể hóa hành vi, do chỉ có cá nhân mới có thể đi tù, chứ tổ chức thì không thể.
Hội nghị góp ý kiến dự thảo BLHS (sửa đổi).
Theo dự thảo BLHS sửa đổi, hình phạt mà pháp nhân phải chịu gồm: phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn. Luật sư Võ Hồng Nam (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bình Định), nhìn nhận: “Trong thực tế, việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân đã có, song các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với pháp nhân chưa nghiêm, nên vì lợi nhuận, các pháp nhân có xu hướng tiếp tục vi phạm sau khi bị xử phạt hành chính. Hơn nữa, việc xử lý hành chính được thực hiện bởi cơ quan hành chính nên không thể hoàn thiện thủ tục tố tụng hình sự có tính chuyên nghiệp, khách quan, chặt chẽ và dân chủ. Trong dự thảo BLHS sửa đổi thì phạm vi và các tội danh phải chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân được nêu cụ thể, nhằm tránh tình trạng lạm quyền, hình sự hóa các quan hệ pháp lý khác”.
Ông Phạm Hồng Sơn (Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh) cũng nhất trí cao với việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân để tăng tính răn đe, phục vụ tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tránh trường hợp lợi dụng tư cách của pháp nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trục lợi trên một số lĩnh vực nhất định, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong xã hội.
Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của luật, nhiều đại biểu đã thảo luận, góp ý kiến về quy định phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Bởi thực tế những năm gần đây, tình trạng người chưa thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng, lại phạm những tội hết sức nghiêm trọng như cướp của, giết người, hiếp dâm. Vấn đề này gây bức xúc và nhiều tranh cãi trong dư luận, vì vậy nhiều đại biểu cho rằng nên giữ nguyên theo luật hiện hành. Đồng tình với phương án này, đại tá Lâm Cự Hiếu (Trưởng CA huyện Hoài Ân), lý giải thêm: “Để các cơ quan tố tụng có cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng trong việc áp dụng xử lý thực tế thì luật cũng cần liệt kê rõ ràng, cụ thể các loại tội mà thực tế hiện nay đang diễn ra để lứa tuổi này nắm rõ về những tội danh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc bổ sung các quy định này nhằm góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục tại cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật”.
Đảm bảo công bằng
Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một nội dung mới của dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi… từ trước đến nay, để xử lý hình sự, cơ quan chức năng buộc phải cá thể hóa hành vi, do chỉ có cá nhân mới có thể đi tù, chứ tổ chức thì không thể
Không chỉ nghiêm minh, tính công bằng cũng là một mục tiêu mà pháp luật cần hướng đến và đảm bảo, theo ý kiến của nhiều đại biểu. Cụ thể, nếu theo quy định của dự thảo BLHS (sửa đổi): “Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, tòa án tuyên nếu trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án không chấp hành, thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù”, người phạm tội sẽ được phép lựa chọn một trong hai phương án và họ sẽ cân nhắc phương án nào có lợi. Điều này dễ dẫn đến việc người có tiền sẽ thoát án tù và người không có tiền sẽ chấp nhận đi tù để không phải trả tiền, nói như Chánh án TAND tỉnh Đặng Công Lý: “Điều này sẽ là mất công bằng và giảm sự nghiêm minh của luật pháp, giữa người có tiền và người không có tiền, làm ảnh hưởng đến nguyên tắc không làm điều bất lợi cho bị hại. Và như vậy, nguy cơ tái phạm sẽ xảy ra bởi cơ hội lựa chọn hình phạt mà pháp luật vô tình trao cho họ, nên cần cân nhắc đối với quy định này”.
Ngoài ra, vấn đề không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên, theo dự thảo luật, cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đa số đại biểu cho rằng, trên thực tế, những người ở tuổi này vẫn có khả năng thực hiện những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như mua bán ma túy, hiếp dâm trẻ em, giết người. “Nếu không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với những người này sẽ không đảm bảo được tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật; tạo kẽ hở cho người khác lợi dụng người từ 75 tuổi trở lên thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”, một đại biểu huyện An Nhơn trình bày.
KIỀU ANH