Thị trường lao động nhìn từ sàn giao dịch việc làm
Mỗi tháng, sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (72B Tây Sơn, TP Quy Nhơn) và văn phòng đại diện ở các huyện đều đặn mở 2 phiên giao dịch để kết nối người lao động và doanh nghiệp. Quan sát các cuộc tuyển dụng này, phần nào nhận diện những bất cập của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, 77% người lao động tham gia ứng tuyển tại sàn giao dịch việc làm là sinh viên vừa tốt nghiệp hệ Đại học, Cao đẳng. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng tại sàn tập trung chủ yếu vào phân khúc lao động phổ thông, trung cấp.
Cung không khớp cầu
Các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lớn hiện nay là bán hàng, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm; nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn; công nhân cơ khí, may mặc, chế biến gỗ... Việc cung không khớp cầu này đã để lại nhiều hệ quả đáng tiếc. Thấy rõ nhất là tình trạng lao động trẻ, có bằng cấp chấp nhận làm việc trái ngành nghề.
Phần lớn ứng viên tại sàn giao dịch việc làm là sinh viên mới ra trường.
Gần 1 năm tốt nghiệp ngành kế toán, Trần Thúy Mai (quê ở xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn) vẫn chưa tìm được việc làm đúng với ngành nghề của mình. Mai quyết định xin việc làm trái ngành nghề để đảm bảo cuộc sống. Tại sàn giao dịch việc làm, cô gái ứng tuyển vào vị trí nhân viên phát triển thị trường cho một nhãn hiệu thực phẩm. Cô cho biết, nhiều bạn khác cùng lớp cũng đang làm các công việc không liên quan đến ngành học như bán hàng, nhân viên phục vụ, nhân viên tiếp thị...
“Nhiều tháng đi xin việc, tôi nhận thấy ngành kế toán có số lượng sinh viên ra trường rất đông. Hầu hết, các đơn vị cần tuyển nhân viên kế toán đều tuyển nhân viên từ “người quen”. Vì vậy, người mới ra trường như chúng tôi rất khó xin được việc”, Mai giãi bày.
Chưa bàn đến chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, từ trường hợp của Mai và một số ứng viên khác tại sàn giao dịch việc làm, có thể thấy thực trạng chung: sinh viên mới ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm việc. Và nguyên nhân chung là do chưa chọn ngành học phù hợp với xu hướng phát triển và nhu cầu của thị trường lao động.
Trúng tuyển vẫn phải... đào tạo thêm
Phần đông lao động có trình độ Cao đẳng, Đại học đến ứng tuyển tại sàn giao dịch việc làm hiện nay tuy có bằng cấp nhưng lại thiếu kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, kinh nghiệm.
Mỗi quý, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm (định kỳ vào các ngày 5 và 20 hằng tháng) tại sàn giao dịch việc làm của Trung tâm và các văn phòng đại diện tại Trung tâm Dạy nghề Tây Sơn, Trung tâm Dạy nghề An Nhơn, Trung tâm Dạy nghề Phù Mỹ và Trường Trung cấp nghề Hoài Nhơn; 3 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương.
Một đại diện doanh nghiệp tham gia tuyển dụng (tại phiên giao dịch ngày 20.8.2015) cho biết thêm: đôi khi, kỹ năng sử dụng thông thạo máy vi tính hoặc ngoại ngữ của lao động không tương xứng với bằng, chứng chỉ họ được nhận. Đó là lý do doanh nghiệp sơ tuyển theo hồ sơ tại phiên giao dịch việc làm được 10 người nhưng đến khi phỏng vấn và kiểm tra lại lần nữa tại doanh nghiệp thì chỉ còn lác đác vài ba người. Doanh nghiệp cũng xác định, đào tạo lại lao động sau trúng tuyển là không tránh khỏi bởi lao động hầu như không thể bắt tay vào làm việc ngay lập tức. Trong quá trình đào tạo, học việc, không ít lao động còn cho rằng thực tế làm việc khác xa với bài học ở giảng đường.
Anh Đặng An Bình, nhân viên tuyển dụng của Công ty TNHH Starlink (đơn vị được Viettel ủy quyền tuyển dụng nhân viên trực tổng đài và chăm sóc khách hàng) đã 5 lần trực tiếp tham gia sàn giao dịch. Nhu cầu lao động cho vị trí chăm sóc khách hàng, trực tổng đài khá lớn nhưng đến thời điểm hiện tại, số người đăng ký học việc còn khá ít. Anh lý giải: “Ngoại trừ lý do tài chính (mỗi học viên phải nộp khoảng 10 triệu đồng để tham gia khóa đào tạo của công ty), một số học viên có khả năng kinh tế và được gia đình ủng hộ vẫn có tâm lý ngại làm việc xa nhà; ngại học thêm 3 tháng kỹ năng...”.
NGUYỄN MUỘI