Đọc sách mỗi ngày
Đọc sách, vượt ra khỏi cái nghĩa của việc truy kiếm thông tin hay làm giàu kiến thức, tự nó cũng là một nguồn vui, cho những ai tìm sự tĩnh lặng hay chia sẻ, là một cách để xả stress giữa bộn bề.
Từ chuyện của những người mê sách
Khi vào Bình Định làm phóng viên, điều đầu tiên mà anh H.T (nhà ở khu Bắc Hà Thanh, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) đặt ra cho mình là phải “bổ túc” ngay kiến thức về lịch sử, văn hóa của vùng đất này. Và anh chọn sách làm “thầy” cho mình. Vì sách viết về Bình Định bán rất ít nên anh phải đi mượn sách, nhưng về lâu dài cách này cũng không ổn khi “người cho mượn cực kỳ quý sách, còn tôi rất khổ tâm khi phải trả lại cuốn sách mình trót “mê”. “Cách đây hai năm, tôi đã chọn ra giải pháp hay nhất là sưu tầm, mua lại sách cũ qua mạng xã hội”- anh H.T. kể lại quá trình sưu tập sách của mình.
Độc giả đang tìm đọc sách tại Nhà sách Fahasa Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN SƠN
Đến nay, anh H.T. đã có trong tay khá nhiều sách cũ quý viết về văn hóa ẩm thực, địa chí, võ thuật, hát bội, bài chòi Bình Định nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung. Giá mua lại tuy cao nhưng từng câu, từng chữ trong đó đều “đáng đồng tiền bát gạo”. Anh H.T. nói: “Đọc sách đối với tôi rất quan trọng. Nhờ nó, tôi có một lượng kiến thức rất đáng kể, chưa kể đến việc khả năng viết, diễn đạt tốt hơn nhờ vốn từ vựng phong phú. Đây cũng là phương tiện giải trí hằng ngày của tôi...”.
Muốn truyền cho con niềm đam mê sách như mình nên anh Phùng Duyên Hiên (nhà ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng để dẫn dụ con vào thế giới của sách.
Khi con nhỏ, anh kể cho con nghe những câu truyện cổ đã được chế lại cho nó hiện đại hơn để kích thích trí tò mò, tưởng tượng của con. Con lớn chút nữa, anh khéo léo hướng con từ đọc truyện tranh sang thích “truyện chữ” bằng cách đọc đến hồi gay cấn nhất thì dừng lại và đưa cuốn sách cho con đọc. Anh Hiên tâm sự: “Tôi đã chơi với con, làm bạn với con thông qua thế giới của sách như thế đó. Nay con đã vào cấp ba, hai cha con có thể đọc chung sách thoải mái và đàm luận như hai người bạn về bất kỳ một cuốn sách nào đó...”.
Mở cánh cửa “kho tàng tri thức”
Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, giờ đây người ta có thể tìm đọc những gì mình cần và ưa thích trên các phương tiện điện tử như máy tính bảng, điện thoại hay máy tính, tiết kiệm tiền và rất tiện lợi. Nhưng, nhiều người vẫn cho rằng cái cảm giác được lần giở, nghe tiếng sột soạt của giấy, thơm mùi mực của sách in vẫn thú hơn nhiều so với việc lướt tay trên màn hình cảm ứng.
Quan điểm này được chị Thùy Nguyên (nhà ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn), làm việc trong ngành kinh doanh hoàn toàn đồng ý. “Tôi dùng Ipad để xử lý thông tin làm việc thôi. Còn đọc sách ư, trên giấy trắng mực in vẫn thú vị hơn nhiều chứ. Tôi thích cái cảm giác đến nhà sách, kỹ càng chọn từng cuốn một hơn. Thích đắm mình cái không gian đông đảo nhưng yên lặng của nhà sách. Tiểu thuyết lãng mạn, sách dạy kinh doanh, nghệ thuật sống hay đi du lịch... luôn bổ túc những gì còn khiếm khuyết trong tôi. Đó cũng là cách tôi xả stress hay chiêm nghiệm cuộc đời vậy”, chị Nguyên chia sẻ.
Trong một thế giới có quá nhiều loại sách, cùng với đó sự cẩu thả trong khâu kiểm soát nội dung, in ấn của một số nhà xuất bản như hiện nay, đã làm cho các bậc phụ huynh- vốn muốn tạo cho con niềm say mê, hứng thú trau dồi kiến thức bằng cách tự đọc - lo ngại. Nhiều người phàn nàn con trẻ chỉ thích đọc truyện tranh giàu ngôn ngữ hành động song lại nghèo về ý nghĩa, tưởng tượng. Còn tuổi “teen” thích truyện ngôn tình sướt mướt, kích động (thậm chí gợi dục). Nhiều người cố hướng hướng con vào thế giới “truyện chữ” như anh Phùng Duyên Hiên nhưng cuối cùng thất bại.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đọc sách cùng con (www.docsachcungcon) - một trang mạng hoạt động xoay quanh những giá trị văn hóa mà sách mang đến cho tuổi thơ từ 4 năm nay và được nhiều người quan tâm, thì cha mẹ không nên áp đặt cho trẻ phải đọc sách giống như mình. Tiến sĩ Anh chia sẻ, cha mẹ chỉ nên giúp con nảy sinh nhu cầu tìm hiểu về sách, thông qua việc đặt các câu hỏi “đố con biết…” hay “có thật như thế không?”. Một khi giữa cha mẹ và con cái có sự chia sẻ và thảo luận nghiêm túc nhưng rất vui vẻ thì mọi thứ sẽ khác đi.
Anh Lê Nguyên Sơn (nhà ở phường Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn) có con đang học cấp hai, cũng cho rằng cha mẹ nên hướng dẫn hay định hướng việc đọc cho con, nên để con trẻ tự chọn tìm mua. Bởi bản thân hành trình chọn, lùng mua những cuốn sách ưng ý đã là một niềm vui, không nên tước đi của con trẻ một niềm vui như thế.
Em Phan Quang, học sinh lớp 10 Trường THPT Quốc Học Quy Nhơn, cho biết: “Trước đây em chỉ thích đọc truyện tranh thôi. Năm lớp 8 cô giáo dạy văn tên Nga đã truyền cho em niềm yêu thích đọc truyện chữ. Cô nói đọc truyện tranh các con sẽ không có nhiều vốn từ để viết văn, cũng không gợi cho con có tính tưởng tượng vì tất cả điều hiện lên cả tranh rồi. Nghe lời cô em về nhà thử đọc, giờ em thích đọc sách lịch sử, gương các anh hùng thời xưa, đọc truyện tranh giờ thấy chán phèo”.
NGUYỄN SƠN