Một đời hát bội
Hễ có đoàn tuồng không chuyên nào gọi điện cần vai diễn là nghệ nhân Hà Mẹo lại hăng hái một mình cưỡi xe máy đến điểm diễn (có khi xa hàng trăm cây số) để tham gia. Từ ngày theo nghiệp, nghệ nhân Hà Mẹo đã hóa thân nhiều nhân vật, từ vị vua quyền uy đến lão già đầy tính cách…, vai diễn nào của ông cũng làm say lòng khán giả. Niềm đam mê với nghiệp diễn của ông chưa bao giờ vơi, ngay cả bây giờ, khi ông đã bước vào tuổi 77.
77 tuổi, nghệ nhân Hà Mẹo đã có tới 60 năm theo nghề hát bội, diễn viên và điểm đặc biệt ở ông là chưa khi nào nghe tới chuyện ông chê vai, từ chối vai diễn khi được đề nghị. Mà đã nhận thì bao giờ ông cũng dốc sức với vai diễn đến tận cùng khả năng.
“Thiên tư ” với nghệ thuật tuồng
Những năm tháng tuổi thơ gắn liền với những đêm say mê xem hát bội nơi làng quê, khiến chàng trai Hà Mẹo bắt đầu “tầm sư học tuồng” từ khi vừa bước qua tuổi thiếu niên.
Người thầy đầu tiên mà ông tìm đến là ông Bầu Bồng, nhà ở ngay sát cổng Lí Môn ở làng Vinh Thạnh, quê hương của bậc Hậu tổ tuồng Đào Tấn. Khi được Bầu Bồng truyền dạy cho vai diễn đầu tiên là Trương Liêu trong vở Trương Phi thủ Cổ thành, Hà Mẹo đã khiến thầy ngạc nhiên vì khả năng nắm bắt và hóa thân nhân vật rất nhanh.
“Tôi may mắn có được thiên tư đối với nghệ thuật hát bội. Được xem các nghệ nhân tài danh diễn nhiều vai rất hay, cứ mơ ước mình sẽ làm được như thế. Hồi trẻ có nhiều đêm ngủ nằm chiêm bao thấy mình được diễn vai ưa thích, khi choàng tỉnh dậy cứ bần thần tiếc rẻ. Niềm đam mê trở thành động lực thúc đẩy tôi quyết tâm học hỏi, rèn luyện để biến mơ thành thực…”, nghệ nhân Hà Mẹo chân thành chia sẻ.
Sau hai năm theo học Bầu Bồng, có được kiến thức căn bản về nghệ thuật tuồng, Hà Mẹo lên đường tìm đến học người thầy thứ hai là ông Bầu Đồ ở làng võ An Thái, xã Nhơn Phúc. Nghệ nhân Hà Mẹo kể: “Bầu Đồ tuy bị mù nhưng có nhiều lối nói và diễn xuất rất hay. Mê nhất là khi ổng đóng Trình Giảo Kim trong vở Tiết Đinh San chinh Tây, nên tôi quyết tâm theo học cho bằng được…”.
Trải qua nhiều năm vừa học vừa tham gia diễn xuất trong gánh tuồng của Bầu Đồ, kép Hà Mẹo đã được cọ xát qua nhiều vai diễn để nâng cao dần trình độ. Khát khao học hỏi nhiều hơn nữa, Hà Mẹo tiếp tục tìm đến xin diễn trong gánh hát của ông Cửu Vị ở huyện Tây Sơn, một bậc danh ca được dân gian truyền tụng - “Cửu Vị đóng Lý Phụng Đình. Dù chồng có đánh thì mình cũng đi…”.
Say mê những vai lão rất đặc sắc của ông Cửu Vị, nên mỗi khi ông diễn thì Hà Mẹo ngồi bên trong cánh gà luôn “nhập tâm” theo dõi. Chưa muốn ai biết nên mỗi lúc đoàn hát vắng người, nghệ nhân Hà Mẹo một mình đứng trước gương bắt chước diễn lại các vai lão đã được xem. Cơ duyên để Hà Mẹo lần đầu tiên “lên lão” trên sân khấu cũng đã đến trong một đêm diễn, khi gánh hát của ông Cửu Vị thiếu người đóng vai lão Hoàng công trong vở Thiên hương quốc sắc. “Khi nghe tôi nói có thể cho con sắm vai lão Hoàng công thử một lần được không, ông Cửu Vị giãy nảy: Đừng có giỡn chơi! Mày học vai này hồi nào mà đòi diễn?!”. “Dạ con xem bác diễn rồi học lỏm…”, câu trả lời của tôi khiến ông Cửu Vị càng ngạc nhiên, nhưng cũng đánh liều cho tôi nhận vai. Sau đêm diễn, ông đến ôm tôi khen thằng này mới 30 tuổi mà biết cách thể hiện tốt vai lão…”, nghệ nhân Hà Mẹo kể.
60 năm cống hiến
Sau ngày giải phóng miền Nam, nghệ nhân Hà Mẹo được tuyển vô biểu diễn ở Nhà hát tuồng Nghĩa Bình, khi ấy quy tụ những bậc danh ca như Hoàng Chinh, Tư Cá, Long Trọng… Ông coi họ như bậc thầy và xin được chỉ dạy thêm những “mánh lới” để có thể hoàn thiện diễn xuất. Đến năm 1981, trước nỗi thúc bách cơm áo gạo tiền để san sẻ gánh nặng cùng vợ đang phải nuôi 7 người con ở nhà, ông đã quyết định rời Nhà hát tuồng Nghĩa Bình để về đi diễn cho nhiều đoàn tuồng không chuyên.
“Ngoài nghệ nhân Minh Ðỏ có sự am hiểu tuồng cổ nhưng già yếu không diễn được, thì nghệ nhân Hà Mẹo là nghệ nhân cao tuổi thứ hai còn lại ở Bình Ðịnh hiện nay. Ông giữ những kỹ năng biểu diễn được chỉ dạy bài bản từ những bậc thầy danh ca, đồng thời vẫn tâm huyết tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân…” .
Ông NGUYỄN AN PHA, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh
Rất vững vàng về kỹ năng biểu diễn đặc trưng của nghệ thuật tuồng Bình Định sau nhiều năm học các thầy giỏi và nỗ lực rèn luyện, nghệ nhân Hà Mẹo có thể diễn xuất tốt được nhiều loại vai cả trung lẫn nịnh. Ông được khán giả rất hâm mộ khi thể hiện các vai lão. Ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, một người am hiểu sâu sắc về tuồng, nhận xét: “Trong nhiều vai diễn hay và đa dạng của nghệ nhân Hà Mẹo, tôi rất thích vai Trình Giảo Kim. Ông đã vận dụng nghệ thuật biểu diễn một cách thuyết phục, có những sáng tạo riêng để thể hiện nhân vật một cách sâu sắc, lôi cuốn người xem”.
Đặt những bước chân đầu tiên vào nghiệp diễn khi còn là chàng trai 17-18 tuổi tràn đầy khát khao khám phá, đến hôm nay nghệ nhân Hà Mẹo vẫn vững vàng trên sân khấu ở tuổi 77. Trong chặng đường dài đam mê và cống hiến cho nghệ thuật tuồng 60 năm qua, nghệ nhân Hà Mẹo đã để lại dấu ấn qua các vai diễn ở nhiều đoàn tuồng không chuyên tiếp nối qua những thời kỳ thăng trầm.
Ở tỉnh ta hiện còn hàng chục đoàn tuồng không chuyên, đoàn nào cũng đều đã mời nghệ nhân Hà Mẹo tham gia biểu diễn. “Tôi đi diễn không chỉ trong tỉnh mà còn lên Tây Nguyên, ra Quảng Ngãi, rồi vô tận Bình Thuận, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh. Cứ đoàn nào thiếu vai gì gọi điện thoại nhờ chú ra diễn giúp bọn con, thì tui lên đường ngay chứ không nề hà, đòi hỏi gì. Bị say xe nên tui thường một mình đi xe máy túc tắc đi đến điểm diễn. Có những đoàn hát án vào lúc 2 - 3 giờ sáng ở các làng biển ở huyện Phù Cát, Phù Mỹ, tôi dậy từ nửa đêm để đi. Năm 75 tuổi, tôi còn đi xe máy gần 200 cây số ra tận bến cảng gửi, rồi đi tàu cao tốc ra diễn nhiều ngày ở huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi…”, nghệ nhân Hà Mẹo cho biết.
Các đoàn tuồng không chuyên thường xuyên mời một cụ già đã qua tuổi thất thập như nghệ nhân Hà Mẹo không phải để “chữa cháy”, mà họ thực sự cần một diễn viên tâm huyết, giỏi nghề để thể hiện những vai diễn khó, được khán giả mến mộ. Nghệ nhân Lê Thị Bạch Mai (53 tuổi), Phó Đoàn tuồng An Nhơn 1, tâm sự: “Khi vợ chồng tôi ở tuổi đôi mươi mới chập chững học diễn xuất, đã thấy chú Sáu Mão (tên thường gọi của nghệ nhân Hà Mẹo - PV) diễn cùng các bậc danh ca trên sân khấu. Tính đến nay, ông đã gắn bó với đoàn hơn 30 năm qua, có tài năng và đức độ nên chúng tôi kính trọng như cha của mình. Nhiều diễn viên đến ngưỡng 55 - 60 tuổi đã đuối sức diễn, thật bái phục khi giọng hát của chú vẫn đang còn khỏe, rất hay và truyền cảm. Mỗi lần đi hát án diễn những vở trong pho tuồng Tam quốc, chú thủ vai Lưu Bị rất xuất sắc, lớp diễn viên các đoàn hiện giờ không ai theo được”.
Gừng càng già càng cay
Tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu tuồng không chuyên tỉnh Bình Định lần 2 - năm 1994, diễn viên Hà Mẹo đã chinh phục ban giám khảo và khán giả với vai Tống Thái Tổ trong vở Trảm Trịnh Ân của Đoàn tuồng An Nhơn, qua đó đã đoạt được giải A. Năm 65 tuổi, ông đoạt được giải Nhì vai Trình Giảo Kim trong vở Tiết Đinh San chinh Tây của Đoàn tuồng An Nhơn 1 tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu tuồng không chuyên tỉnh Bình Định lần 5 - năm 2003. Sau đó 8 năm, ông tiếp tục tham gia cùng Đoàn tuồng Nhơn Hưng tại Liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống không chuyên tỉnh lần thứ VII - 2011, được Sở VH-TT&DL tặng giấy khen “Nam nghệ nhân cao tuổi nhất”.
Gừng càng già càng cay, tại Liên hoan trích đoạn tuồng Đào Tấn - 2015 mới đây, dù diễn xuất không nhiều nhưng nghệ nhân Hà Mẹo vẫn gây ấn tượng với vai Tạ Lôi Nhược trong trích đoạn Kim Lân thượng thành của Đoàn tuồng An Nhơn 1. Vai diễn này của ông đã được Ban tổ chức Liên hoan trao tặng giải “Nghệ nhân cao tuổi và diễn hay”. Ông Hoàng Việt, con trai của “đệ nhất danh ca” Hoàng Chinh, nhận xét: “Nghệ nhân Hoàng Mẹo diễn vai Tạ Lôi Nhược hay và thể hiện được chất riêng của nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Lớp nghệ nhân cùng thời với ba tôi đã lần lượt mất đi hết, chỉ còn nghệ nhân Hà Mẹo vẫn lao động nghệ thuật bền bỉ, diễn tốt trên sân khấu ở tuổi này quả thật hiếm có…”.
Gia đình nghệ nhân Hà Mẹo hiện đang sống tại thôn Trung Thành, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Chia sẻ về nghiệp diễn của chồng, bà Phạm Thị Tấn (76 tuổi) bày tỏ sự đồng cảm: “Già từng tuổi này nhưng nẫu vẫn còn mời ông nhà tui đi diễn suốt. Cũng mừng vì thánh tổ còn thương cho ổng sức diễn thì phải hết mình diễn. Ổng nói người ta cần thì mình giúp, có được niềm vui vào vai là chính chứ chuyện thù lao cũng không quan trọng…”. Khi nói chuyện về nghệ thuật tuồng, nghệ nhân Hà Mẹo say sưa chia sẻ về những vở diễn, vai diễn đã dành trọn tâm huyết trong cả cuộc đời. “Lớp diễn viên bây giờ không thuộc tuồng, hiểu tuồng và cảm nhận nhân vật một cách sâu sắc như các thế hệ trước đây, nên nhiều khi cứ diễn suông suông chứ không phải vai nào ra vai nấy. Nhiều vở tuồng hay của ngày xưa giờ rất ít khi được diễn, nhất là những vở rất độc đáo của cụ Đào Tấn. Tôi lo những miếng nghề độc đáo của nghệ thuật tuồng Bình Định sẽ mai một…”, nghệ nhân Hà Mẹo trăn trở.
HOÀI THU