Làng Hòn Mẻ, xã Canh Thuận (Vân Canh): Thấp thỏm vì bờ sông Hà Thanh sạt lở
Mùa mưa bão đã cận kề, hàng chục hộ dân sống ven sông Hà Thanh thuộc làng Hòn Mẻ, xã Canh Thuận (Vân Canh) lại sống trong thấp thỏm, lo sợ nhà cửa, vườn tược bị cuốn trôi.
Báo động nguy cơ lũ cuốn
Mới trải qua những trận mưa đầu mùa nhưng dọc hai bên bờ sông Hà Thanh, đoạn qua làng Hòn Mẻ, đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. nhiều hộ gia đình đang sống trong cảnh nơm nớp lo âu “hà bá” cạp mất đất ở.
Tại xóm Nam, làng Hòn Mẻ, khu vực nằm cạnh sông Hà Thanh và suối Soi Lao, chúng tôi thấy có hàng chục ngôi nhà nằm chênh vênh bên bờ sông; có nhà khoảng cách từ chân móng đến bờ sông chưa đến 4m. Còn 7 hộ dân ở xóm Đông, làng Hòn Mẻ cũng ở vào tình cảnh tương tự.
“Cách đây 10 năm, khu đất sản xuất ở phía sau nhà của tôi rộng cả hecta; tuy nhiên, qua mỗi mùa mưa lũ, hàng ngàn mét khối đất cứ thế đổ ụp xuống lòng sông. Đến nay, diện tích đất còn sót lại, rộng chưa đến 3 sào (500m2/sào). Cứ đà này, sau mùa mưa lũ tới diện tích đất còn lại phía sau và ngôi nhà tôi dễ bị nhấn chìm xuống sông”, bà Bùi Thị Hiếu, 64 tuổi, ở làng Hòn Mẻ nói.
Tình hình sạt lở dọc sông Hà Thanh cũng đang ảnh hưởng trầm trọng đến quỹ đất sản xuất nông nghiệp tại cánh đồng có tục danh Hóc Bà Rông (làng Hòn Mẻ). Báo động, có đến gần 1/3 diện tích đất sản xuất nằm dọc theo sông Hà Thanh (tổng diện tích đất canh tác là 15 ha), bị nước khoét sâu tạo thành những “hàm ếch”; nhiều chỗ như vực thẳm dựng đứng với độ sâu lên đến 7m (tính từ mặt bãi xuống lòng sông). Những vết rạn nứt chằng chịt xuất hiện, báo hiệu nguy cơ đất canh tác sẽ tiếp tục bị cuốn sụp.
Ông Lơ O Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, xác nhận: “Từ năm 2010 đến nay, đã có khoảng 5/15 ha đất sản xuất ở khu vực này bị nước lũ cuốn trôi, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp của bà con ở địa phương”.
Lên phương án di dời dân
Theo thống kê của UBND xã Canh Thuận, tình hình sạt lở bờ sông Hà Thanh đoạn qua làng Hòn Mẻ đã và đang gây nguy hiểm trước mắt cho khoảng 20 hộ dân sống ven bờ. Xây dựng bờ kè kiên cố nhằm chống sạt lở, bảo vệ an toàn cho người dân là giải pháp khả thi nhất hiện nay, song ngặt nỗi kinh phí đầu tư lại vượt quá khả năng của địa phương.
“Ðể đảm bảo an toàn cho bà con ở làng Hòn Mẻ trong mùa mưa lũ năm nay; chính quyền địa phương đã lên phương án tổ chức di dời dân khi có mưa to, lũ lớn xuất hiện”
“Qua các cuộc họp tiếp xúc cử tri của huyện, tỉnh, địa phương đã nhiều lần kiến nghị cấp trên xây dựng một bờ kè kiên cố, tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có phương án nào. Riêng việc để di dời và tái định cư cho các hộ dân sống ven sông là điều rất khó vì điều kiện kinh tế người dân còn khó khăn, đất ở không có, trong khi đó nguồn hỗ trợ từ Nhà nước không đủ”, ông Lơ O Hòa cho biết thêm.
Ông Hoàng Kim Chuyên, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Vân Canh, bày tỏ: “Để xây dựng tuyến bờ kè kiên cố dài 1,5km nhằm chống sạt lở bờ sông Hà Thanh đoạn qua làng Hòn Mẻ mất khoảng 15 tỉ đồng; nguồn kinh phí này quá lớn so với khả năng của huyện. Để có nguồn vốn xây dựng, huyện đã lập kế hoạch đầu tư công trình bờ kè sông Hà Thanh, đoạn qua làng Hòn Mẻ vào nhóm hạng mục trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; đến nay, địa phương đã gửi tờ trình cho UBND tỉnh và Trung ương để xin vốn xây dựng. Thời gian bố trí, hỗ trợ kinh phí còn phải đợi”.
Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho bà con ở làng Hòn Mẻ trong mùa mưa lũ năm nay; chính quyền địa phương đã lên phương án tổ chức di dời dân khi có mưa to, lũ lớn xuất hiện. “Vào mùa mưa, xã cắt cử lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ, tổ quản lý làng Hòn Mẻ ứng trực 24/24 để theo dõi tình hình mưa lũ và sẵn sàng triển khai công tác di dời dân khi cần thiết. Địa điểm tạm trú là Trường Tiểu học Canh Thuận”, ông Lơ O Hòa, nói.
TRỌNG LỢI