Theo dấu tích Vườn Cam Nguyễn Huệ
Cách đây 36 năm, sinh viên Khoa Ngữ văn khóa I (Đại học Sư phạm Quy Nhơn) do tôi hướng dẫn đi sưu tầm văn học dân gian, đã thu thập được những thông tin về Vườn Cam Nguyễn Huệ. Di tích này ở xa, đường sá cách trở nên tôi chưa có điều kiện đến tận nơi tìm hiểu, cứ cảm thấy day dứt dường như mình có lỗi với những anh hùng áo vải đất Tây Sơn.
1.
Từ thông tin sưu tầm của sinh viên năm 1979, thì cụ Triêm ở thôn Tân Hiệp, xã Nghĩa An, huyện An Khê, kể: “Tương truyền Nguyễn Huệ có trồng một vườn cam ở làng Tờ Lờ thuộc xã Nghĩa An, giao cho Bùi Thị Xuân trông coi khi ông phải cầm quân chinh Nam phạt Bắc. Buổi đầu vườn cam này có rào giậu và cổng ngõ hẳn hoi, cam thu hoạch được ăn rất mát và ngọt giúp nghĩa quân tăng cường sức khỏe khi ốm đau. Hiện nay, chỉ còn hai trụ bằng cổng vôi, rào giậu đã mất nhưng vẫn còn một số cây cam có trái to bằng quả dừa xiêm, ăn vẫn thơm ngon nhưng thường bị ho nên dân trong vùng không dùng”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân (bên trái) trước những cây cam cổ thụ ở làng K2, xã Vĩnh Sơn.
Thời gian gần đây, nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo đến hỏi tôi để biết về Vườn Cam Nguyễn Huệ ở thượng đạo. Tuy nhiên, do chưa đến tận nơi để tìm hiểu nên tôi đã khất lại trả lời sau. Được Hội VHNT tỉnh cấp giấy giới thiệu, tôi đã bỏ tiền túi thực hiện hai chuyến điền dã đến xã Nghĩa An (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) và xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định). Trong chuyến đi đến Kbang, tôi phải nhờ xe ôm đưa đi vòng vèo mấy chục cây số gặp nhiều già làng Bana ở xã Nghĩa An, mới xác định được vùng đất ngày xưa nhà Tây Sơn trồng cam nuôi quân. Từ thị trấn Kbang phải đi gần 20 km mới đến khu di tích sản xuất lương thực của nghĩa quân Tây Sơn tại Cánh đồng Cô Hầu, sau đó trở lại ngã ba luồn rừng vài cây số mới đến “Vườn Mít” nằm trên một quả đồi đất đỏ đã trở thành rừng già. Gặp mấy người Bana đi làm nương hỏi thăm thì được biết vườn cam hiện nay không còn cam mà chỉ có vài cây mít cổ thụ trên đỉnh đồi… Ngày hôm sau, tôi trở về thị xã An Khê gặp ông Hoàng Văn Trung, một cán bộ công an về hưu từng hoạt động ở vùng Kbang nhiều năm sau giải phóng. Ông Trung cho biết: “Vườn Cam Nguyễn Huệ bên cạnh suối Tờ Tung, thuộc địa bàn xã Sang Lang và xã Đông. Thời tôi còn đi làm vẫn còn cam ăn”. Như vậy, ở xã Nghĩa An chỉ còn di tích Vườn Mít và Cánh đồng Cô Hầu, còn Vườn Cam nhà Tây Sơn không còn dấu tích.
2.
Trở về Quy Nhơn nghỉ ngơi mấy ngày cho lại sức, tôi tiếp tục lên đường tìm dấu tích Vườn Cam Nguyễn Huệ ở làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Thấy cụ già đã 82 tuổi còn lặn lội đi điền dã, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã quan tâm hỗ trợ ô tô chở tôi đến trụ sở UBND xã Vĩnh Sơn. Từ đây, tôi bắt đầu đi bộ vòng theo đường rừng khoảng 4 km theo lời chỉ của người dân để đến khu vực có dấu tích vườn cam nằm trên một vùng đất bằng nghiêng nghiêng ven chân ngọn núi cao nhất ở huyện Vĩnh Thạnh. Tại bãi đất mặt trước Vườn Cam đã dựng bia công nhận di tích lịch sử từ năm 1995, đi vào chân cánh rừng cách bia khoảng vài chục mét là thấy một cây cam khá sai quả có nhiều cành tỏa ra, quả to nhất gần bằng quả dừa xiêm hay quả bưởi nhỏ. Đi dọc tìm xung quanh còn thấy rải rác nhiều cây cam và cây mít già cỗi đứng xen giữa cánh rừng hoang dại. Dường như thuở trước theo lệnh Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn đã trồng cam và mít trong một khu vườn ở khu vực thượng đạo…
Theo tôi thì những cây cam và mít còn sống cho đến ngày nay, chỉ là “hậu duệ” ít nhất là vài ba đời của những “cây cam tổ” và “cây mít tổ” mà ngày xưa nghĩa quân Tây Sơn đã trồng mà thôi. Ở phía sau khu vực Vườn Cam, bên lối mòn đất đỏ, còn mấy cây cam già cỗi, ít lá, có dăm bảy quả vẫn đứng thi gan cùng nắng gió vùng cao như muốn nói với người đời sau “hồn thiêng” của nghĩa quân Tây Sơn còn phảng phất đâu đây. Trên hành trình đi tìm Vườn Cam Nguyễn Huệ và dấu tích của nghĩa quân Tây Sơn khi chuẩn bị khởi nghĩa, tôi càng thấu hiểu những khó khăn buổi đầu của ba anh em nhà Tây Sơn. Tấm lòng son sắt với nghĩa quân Tây Sơn của bà con dân tộc ở vùng thượng đạo không chỉ khi “Cây Ké phất cờ Cây Cầy gióng trống”, mà những di tích ít ỏi còn lại đến ngày nay vẫn được đồng bào xem là vùng đất thiêng trong đời sống tâm linh của mình.
Nguyễn Xuân Nhân