Liên hoan tác phẩm của tác giả Tống Phước Phổ:
Tôn vinh "cây đại thụ" sân khấu tuồng
- Năm 2013, chúng tôi đã tổ chức thành công Liên hoan tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ. Năm nay, chúng tôi quyết định tiếp tục tổ chức một liên hoan để tôn vinh "cây đại thụ" sân khấu tuồng Tống Phước Phổ. Trong nền nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam, có một số tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh như kịch có tác giả Học Phi, Lộng Chương, Lưu Quang Vũ, Đào Hồng Cẩm; chèo có Tào Mạt; cải lương có Trần Hữu Trang và tuồng thì có Tống Phước Phổ. Ông đã sáng tác với sự bao quát đề tài rất rộng, nhưng nhiều nhất là tuồng lịch sử mà nhiều vở như "An Tư công chúa", "Sao Khuê trời Việt"… được coi là mẫu mực, kinh điển trong giới. Tới bây giờ, thống kê lại thì có tới 70 vở tuồng có sự tham gia của ông từ công tác biên tập, chỉnh lý hay sáng tác. Ông có được nền tảng lớn làm điểm tựa là vùng đất Điện Bàn, Đà Nẵng, nơi sản sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, mà sân khấu tuồng cũng từng có tên tuổi lừng lẫy như Nguyễn Hiển Dĩnh, nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký và rất nhiều nghệ nhân tuồng nổi tiếng. - Liên hoan lần này có bao nhiêu đơn vị đăng ký tham gia và chất lượng liệu có bảo đảm khi các đơn vị tuồng không chuyên cũng cùng "sân chơi" với các đơn vị chuyên nghiệp?
- Có 6 đơn vị chuyên nghiệp và 14 đơn vị nghệ thuật không chuyên hoặc các CLB tuồng bán chuyên nghiệp tham gia 23 vở diễn. Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi rất bất ngờ vì nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đơn vị không chuyên. Để bảo đảm chất lượng, BTC cũng đã xem hết những vở diễn này và chủ quan cảm nhận là chất lượng nghệ thuật khá tốt, không chênh lệch nhiều so với chuyên nghiệp. Các vở diễn cả dài, ngắn, được dàn dựng từ kịch bản sáng tác, hiệu đính, chỉnh sửa nâng cao của tác giả Tống Phước Phổ đều được các đơn vị dàn dựng lại khá đa dạng. Mặc dù hoạt động tự phát, kinh phí hạn hẹp nhưng những nghệ sĩ, nghệ nhân của các đơn vị không chuyên rất yêu nghề và đặc biệt là có nhiều tài năng. - Tại sao không phải tất cả các đơn vị tuồng chuyên nghiệp đều tham gia Liên hoan này, thưa ông? - Hiện nay, nhiều đoàn nghệ thuật gặp khó khăn về tài chính, đơn cử Đoàn Tuồng Thanh Hóa - đơn vị mới đăng cai tổ chức "Cuộc thi sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc". Lãnh đạo của đơn vị hát bội TP Hồ Chí Minh cũng đang phải thu xếp tài chính. Thực ra, cái khó là kinh phí đưa đoàn đi Liên hoan, còn phần dàn dựng, hầu như các vở tham gia đều đã và đang nằm trong kịch mục biểu diễn thường xuyên của các nhà hát. Các đơn vị như Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Nhà hát Tuồng truyền thống của Khánh Hòa, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Tuồng Cung đình Huế… có tới hai vở tham gia. Vả lại, chúng tôi cũng hướng tới phong trào tuồng bán chuyên nghiệp để nghệ thuật tuồng các vùng miền khởi sắc hơn. - Hoạt động này có ý nghĩa như thế nào với nghệ thuật tuồng? - Hơn 60 năm gắn bó với nghề, tác giả Tống Phước Phổ đã để lại những tác phẩm thấm đẫm giá trị nhân văn. Ảnh hưởng của ông trong nghệ thuật tuồng qua Liên hoan này sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ sau, giúp cho nghệ sĩ thêm yêu và gắn bó với nghề, còn khán giả ngày nay được tiếp cận nghệ thuật tuồng. - Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo Ngọc Bảo (SGGP)