Sau những canh bạc...
Hai đứa trẻ tha thẩn chơi ở sân tòa. Bà ngoại chúng ngồi bó gối, quay mặt về phía các cháu mà hồn để tận đẩu đâu. Bà bảo không biết ba mẹ nó đi tù lấy ai mà lo cho hai đứa nhỏ.
1.
Phía trong khán phòng, người phụ nữ độ 30 tuổi mặc áo tù màu trắng trông khắc khổ. Đôi má hóp, mắt trũng sâu lộ vẻ sợ hãi, bồn chồn. Người đàn ông mặc áo hồng người thấp đậm, đầu húi cua. Họ là vợ chồng cùng bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của nhiều người.
Năm 2009, vợ chồng T.T.N.Y (SN 1981) và B.T.T (SN 1982) mua một ngôi nhà trong hẻm đường Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn, giá 200 triệu đồng. Đây là tiền hai bên gia đình cho cộng với tiền vay ngân hàng do bố chồng của Y. đứng tên thế chấp vay giúp 70 triệu đồng. Hàng tháng, Y. phải đưa cho bố chồng 1 triệu đồng để trả lãi ngân hàng.
Y. công tác trong ngành công an, còn T. không nghề nghiệp ổn định, lông bông lại mắc tật mê bài bạc. Để có tiền chi dùng, hai vợ chồng bắt đầu đi vay mượn bên ngoài để chi tiêu và trả lãi vay ngân hàng. Đầu năm 2012, sau khi đáo hạn ngân hàng, vợ chồng Y. lại thế chấp ngôi nhà lấy 300 triệu đồng, trả cho người nhận đáo hạn ngân hàng 154 triệu đồng, trả cho một người vay trước 50 triệu đồng, phần còn lại để tiêu xài và để cho T. …bài bạc.
Cờ bạc là bác thằng bần nên chẳng mấy chốc số tiền vay đã hết. Hai vợ chồng lấy lý do đáo hạn ngân hàng, cho vay lại hoặc mở quán cà phê... để tiếp tục vay nóng bên ngoài với lãi suất cao (từ 5 đến 10%/tháng). Tháng 9.2013, sau khi lén bán ngôi nhà cho một người khác lấy được số tiền 340 triệu đồng, cả hai trả nợ ngân hàng 300 triệu, đi thuê nhà sống. Vài tháng sau, khi hết nhẵn tiền, họ dắt díu nhau về nhà T. ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước nhưng các chủ nợ cũng tìm đến tận nơi đòi nợ. Cuối cùng, cả hai dẫn hai con lên TP Peiku, tỉnh Gia Lai, lánh mặt chủ nợ. Tháng 12.2013, Y. bị CA tỉnh cho nghỉ việc, hưởng chế độ xuất ngũ. Nhận tiền thanh toán chế độ một cục gần 65 triệu đồng, Y. cũng chẳng trả nợ vay. Tháng 12.2014, Y. và T. về Quy Nhơn đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi.
Theo cáo trạng, tổng số tiền vay mượn, chiếm đoạt trên 500 triệu đồng. Trong đó, riêng một mình Y. vay mượn, chiếm đoạt của 6 người trên 455 triệu đồng; còn T. vay mượn, chiếm đoạt gần 60 triệu.
2.
Phiên tòa xử ngỡ chỉ trong một buổi sáng hóa ra đến chiều mới xong bởi phát sinh những tình tiết mới vì bị cáo Y. đã thay đổi lời khai. “Tưởng anh ấy thương vợ con nên tôi nhận hết để gánh thay tội cho anh ấy. Tôi chấp nhận đi tù để anh ấy ở ngoài nuôi con, nhưng thấy người ta không tình không nghĩa gì nên tôi thay đổi lời khai...”, bị cáo Y. nói.
Bị cáo vợ khai, chồng mình biết và tham gia mọi chuyện vay mượn từ đầu đến cuối, chứ không phải chỉ tham gia một số vụ như Y. đã khai ban đầu. Thậm chí T. còn đánh đập, ép buộc vợ phải đi vay nóng bên ngoài để có tiền. Có lúc T. ngồi đánh bài, Y. còn tranh thủ ra ngoài chiếu bạc, canh ai có nhu cầu vay tiền để chơi tiếp thì cho vay. Tại tòa, bị cáo chồng đã thừa nhận mọi lời khai của vợ là đúng. Trong thời gian vụ án bị khởi tố, T. được cho tại ngoại và tiếp tục có hành vi lừa đảo, lấy tiền người khác rồi bỏ trốn cho đến lúc ra đầu thú.
3.
Trong khi chờ phiên tòa bắt đầu, hai đứa con nhỏ của họ, lớn 8 tuổi, nhỏ mới 4 tuổi, ngồi ở ghế dưới chân cầu thang cùng bà ngoại. Người mẹ của bị cáo Y. trông chừng hai đứa cháu, mặt dàu dàu: “Hôm rồi nó điện về nói má vô coi hai đứa nhỏ giúp con, nay mai con đi tù rồi, chỉ còn biết nhờ vào má thôi”. Bà bảo chuyện vỡ lỡ ra, chồng bà giận lắm, bao nhiêu công sức gầy dựng cho con giờ đổ sông đổ bể nên đã bỏ mặc muốn ra sao thì ra. Cha của bị cáo T. cũng phải gán nợ máy xay xát gạo của gia đình lấy 17 triệu đồng cho các chủ nợ của con. Anh trai bị cáo Y. cũng phải trả nợ một phần thay em gái. Bên trong khán phòng, người dự khán hầu như toàn là những chủ nợ.
Chiều 16.9, HĐXX TAND TP Quy Nhơn đã tuyên phạt bị cáo Y. 8 năm tù giam, bị cáo T. 4 năm tù giam. Hai đứa trẻ vẫn vô tư, thơ thẩn quanh quẩn nơi sân tòa. Bà ngoại chúng bảo, cũng vì cha mẹ chúng nợ nần, sợ bị chủ nợ truy đuổi nên dẫn con đi trốn nợ lung tung, đến mức thằng lớn đã phải nghỉ học giữa chừng từ năm lớp 2. Năm nay, lẽ ra nó vào học lớp 3. Nhưng giờ sống với ai, ai sẽ nhận nuôi chúng cho đến khi cha mẹ chúng ra tù còn chưa biết được, thì còn nói chi đến việc học hành.
Cờ bạc đã đưa nhiều người vào chỗ tán gia bại sản, ly tán. Đáng trách hơn, có những người chồng, người vợ đã không tự mình thoát ra vũng lầy, ngược lại, đã để bản thân mình cũng bị cuốn theo, vấy bùn lấm lem. Để rồi, phận đời của những đứa trẻ vô tội cũng bỗng chốc trở nên mờ mịt, tối nhiều sáng ít.
ANH THƯ