Mưu sinh trên hồ Thiết Ðính
Công trình thủy lợi hồ Thiết Ðính (thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) được đưa vào sử dụng năm 1979. Ngoài việc tích - điều tiết nước tưới cho 4 cánh đồng của khối Thiết Ðính, tận dụng mặt nước của công trình người dân thả nuôi, đánh bắt thủy sản nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Trên con nước lòng hồ
Đã hơn 35 năm, ông Tạ Văn (62 tuổi) được địa phương cho thuê lại diện tích mặt nước để nuôi cá nước ngọt và trở thành tổ trưởng tổ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản gồm 7 thành viên tại hồ Thiết Đính. Ông nhớ lại: “Hồi đó, rừng núi nơi đây còn hoang sơ lắm! Đường vào hồ nhiều bất trắc, lòng hồ khá rộng (trên 27 ha) tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chỉ một cá nhân trông coi và khai thác gặp không ít khó khăn. Tôi kêu gọi một thành viên khác cùng vào làm”.
Ban đầu, do chưa tiếp cận được nguồn cá giống và chưa áp dụng tiến bộ khoa học, chỉ dựa vào nguồn cá tự nhiên sinh sản nên cuộc sống của các thành viên chẳng khá lên được. Việc khai thác thủy sản trên con nước lòng hồ “lúc có, lúc không”. Đến năm 1989, thị trường cá giống dồi dào, việc nuôi và khai thác không còn phụ thuộc hẳn vào tự nhiên, ông Văn tiếp tục thu nạp thêm 5 thành viên mới vào tổ. Các thành viên trong tổ cùng góp vốn mua cá giống thả vào hồ, nuôi theo phương thức quảng canh.
Vậy là cứ sau 5 giờ chiều, khi trời nhá nhem tối. Lòng hồ Thiết Đính lại ẩn hiện, lấp lóa những ánh đèn pin nhỏ xíu làm nhiệm vụ soi đường cho cuộc mưu sinh của người dân thuộc tổ đánh bắt. Những chiếc xuồng nhôm lướt trên mặt nước. Các ngư dân lòng hồ vừa chèo xuồng vừa buông lưới. Bằng chất giọng khàn đục, ông tổ trưởng dẫn đường cho chúng tôi chia sẻ thêm: “Chiều và tối nay, anh em trong tổ chỉ đánh bắt gần bờ vì sau cơn mưa lớn tối qua, cá sẽ tập trung vào bờ ăn mồi”. Đúng như kinh nghiệm phán đoán của ông Văn, mẻ lưới đầu tiên đã thu được trên 10 kg cá (chủ yếu là cá mè và cá chép). Có con nặng hơn 2kg, thân lấp lánh vảy vàng làm các thành viên tổ đánh bắt hồ hởi.
Khấm khá nhờ “thu nhập kép”
Nguồn nước từ núi cao đổ về lòng hồ mỗi khi mưa lớn đã cung cấp một lượng thức ăn dồi dào, giúp đàn cá thả nuôi lớn nhanh mà không cần phải chi thêm tiền mua thực phẩm cho cá. Vào mùa thu hoạch, trung bình mỗi xuồng bắt được trên dưới 10 kg cá mỗi đêm (trị giá gần 450 ngàn đồng). Xuồng nào may mắn đánh bắt được cá chình, cá lóc, thác lác tự nhiên thì nguồn thu còn cao hơn. Trung bình, 7 thành viên trong tổ có thu nhập ổn định từ 150 - 200 ngàn đồng/người/ngày, góp phần thay đổi đời sống gia đình.
Từng trải qua những năm tháng khó khăn, bà Nguyễn Thị Kim Phượng (52 tuổi), vợ một thành viên trong tổ, thường nhắc về thời điểm chồng bà tham gia vào tổ nuôi trồng, đánh bắt cá ở lòng hồ thủy lợi Thiết Đính như một “mốc son” đáng nhớ. Bà bảo: “Năm 1987, vợ chồng tôi tự nguyện đi xây dựng kinh tế mới tại vùng đất dưới chân núi miễu Cây Duối gần hồ Thiết Đính. Cuộc sống đầy khó khăn, 4 con thơ liên tục ngã bệnh, vợ chồng “đầu tắt, mặt tối” mà vẫn không lo nổi ngày 2 bữa cơm. Từ khi chồng tôi được gia nhập vào tổ, nguồn thu nhập từ việc đánh bắt cá đã giúp chúng tôi từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng cơ nghiệp như hôm nay”.
Để tránh những mâu thuẫn có thể phát sinh do so bì, một quy ước “bất thành văn” của tổ được thực hiện trong nhiều năm qua là tất cả sản phẩm làm ra trong ngày đều được thu gom lại bán và chia đều. Thành viên đau ốm cũng hưởng thụ quy ước này. Riêng thành viên mắc việc nhà đột xuất, không tham gia đánh bắt được chia 70% thành quả. Điều này góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ lẫn nhau trong lao động và cuộc sống thường ngày của các thành viên.
Không chỉ biết đánh bắt cá, họ còn tranh thủ trồng rừng nguyên liệu. Hiện nay, mỗi thành viên có ít nhất từ 1-2 ha vườn rừng. Trong đó, nhiều người có từ 6-8 ha rừng keo lai bạt ngàn bao quanh hồ, cho thu nhập khá. Nhờ “thu nhập kép” này, gia đình nào cũng có “của ăn, của để”, mặc dù không dám nói là giàu, nhưng đã xây được nhà cửa khang trang, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
DIỆP BẢO SƯƠNG