Lân, chẳng đợi chị Hằng
Xóm tôi vốn rất đông trẻ con và bọn con trai luôn nhiều hơn lũ con gái. Quân số của cái đám này, đủ để ráp lại và chia thành mấy nhóm lân cơ đấy! Tùy theo độ tuổi mà có nhóm lớn, nhóm bé… để rồi, cứ đến mùa Trung thu là các nhóm tất bật với chuyện chuẩn bị đội ngũ, đồ đạc. Cũng phải tập tành để kịp trước rằm tháng tám khoảng mươi bữa là có thể ra quân.
Đã thành lệ như thế bao nhiêu năm qua, bao mùa Trung thu đi và đến. Các nhóm cũng cứ thế mà lần hồi kế tục nhau. Mấy đứa lớn nhất đã thôi, không theo lân nữa và có ngay mấy đứa lỡ cỡ thay vào. Rồi cái tụi nhỏ nhất chẳng mấy chốc đã thấy hết nhỏ và đứng chân được ở cái nhóm vừa vừa. Có cùng một điểm chung cho tất cả các nhóm lân ở khu vực này, là đồ đạc không được tươm tất cho lắm. Đã vậy vào khoảng này, ở miền Trung đã bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa và ác nghiệt thay, mưa thường bắt đầu vào khoảng bốn, năm giờ chiều và kéo đến khuya. Có khi cũng tạnh ráo một, hai chặp vào buổi tối rồi lại sầm sập đổ xuống. Thế là lân mắc mưa và cả đám khốn khổ. Chưa tới mức rã bầy nhưng tệ hại quá chừng. Trống, đầu lân, đầu ông Địa rồi cả quần áo đều có dán giấy xanh, đỏ tím, vàng. Mưa làm rách giấy, nhìn cái đầu lân trùi trụi chẳng còn ra làm sao. Rồi cái gậy Tề Thiên được quấn giấy khéo léo ngó nghệ thuật là thế mà mắc mưa, trơ lại có mỗi một khúc cây…
Các nhóm lân vùng này luôn xuất phát ở xóm nhưng lại ít múa ở đây. Phải chen ra phố, phải đến mấy con đường trung tâm vì dân ở những nơi đó khá giả hơn nhiều. Họ làm việc có lương bổng ổn định hơặc có cửa hàng cửa hiệu lớn hẳn hoi. Vài năm trở lại đây, các nhóm lân làm ăn rất thất bát. Kể ra, cũng là hợp lý bởi công chuyện làm ăn khó khăn, vật giá leo thang, mọi gia đình đều dồn việc chi tiêu cho những chuyện hợp lý. Và, kể ra cũng là bất hợp lý vì cái gì cũng tăng giá mà tiền cho lân, thì người lớn lại giảm đến eo sèo. Hồi trước, mỗi tối lân chỉ cần ghé đến chừng năm ba nhà đã bạc tiền rủng rỉnh. Còn bây giờ, ghé múa cả chục nhà vẫn chẳng đáng là bao. Đi nhiều lân than bắt rạc chân, múa nhiều lân than mệt người quá và đập trống, đánh phèng la, lân than bắt rã tay. Đã kiếm được ít mà các nhóm lân lại còn bị mắc mưa phải tốn tiền để tân trang lại đồ nghề nên cả bọn xếu mếu…Và, những khuya khuya, tôi thường nghe tụi nhỏ ca cẩm như thế khi lết bết trở về xóm và đi ngang ngôi nhà mình. Những lời ca thán chẳng rõ trên Cung Trăng có nghe được?
Tệ hại nhất là năm ngoái. Và đúng là: “cái khó ló cái khôn” và cũng nhờ thế, mà tôi mới có được câu chuyện dễ thương này. Để cho trung thu năm nay có thể ngồi trước máy mà tủm tỉm cười, khi gõ phím. Chẳng là, chỉ còn có ba đêm nữa là qua mùa trung thu, trong khi, thời tiết quá xấu. Cứ mưa mãi thế này sao có thể gặp được chị Hằng cơ chứ! Không đợi nổi đến đêm, các nhóm lân đĩnh đạc ra quân ngay vào ban ngày. Chắc sáng bận đi học nên chiều các cháu mới tập trung được đủ đội hình. Chờ mọi người ở hết cả khu vực này vừa qua giấc ngủ trưa là lân nổi trống. Trống lớn, trống bé dồn dập ở đường chính, ngõ tắt, hẻm sâu. Tiếng trống tiếng phèng la nhịp nhàng, rộn rã dền vang cho biết trung thu vẫn còn và một cái tết trẻ con đang diễn ra hết sức là tưng bừng, vui nhộn.
Tò mò, tất cả những ngôi nhà đều mở rộng cửa và lân cứ vậy đủng đỉnh bước vào, hồn nhiên nhảy múa. Từng nhà, từng nhà một vào đầu buổi chiều đều được lân ghé thăm. Lạ thật! Bởi chẳng thấy ai nhăn nhó khó chịu. Ai cũng xuề xòa cởi mở đón lân và thưởng tiền. Cũng chẳng nhiều nhặn gì! Nhưng tí chút gọi là đền lại cái công cái khổ của các cháu. Lân làm người lớn vui và người lớn cũng biết cách an ủi cho bọn nhỏ. Thú vị quá! Khi được chứng kiến cảnh lân múa vào ban ngày ở trong xóm. Lân chẳng thèm đi ra phố chính, những con đường trung tâm. Cứ đường hẹp, ngõ nhỏ, những ngôi nhà tuềnh toàng xóm mình mà biểu diễn hết lòng. Trời thế này, đêm nay, sao tránh khỏi mưa. Lân nghèo thì lân phải biết tính chứ!
Không ban đêm nên chẳng thấy chú Cuội nhưng những người hàng xóm thường xuyên túng thiếu, nghe chừng lại rất thông cảm với lân. Và lân nghe chừng cũng rất mừng vui hoan hỉ khi ngồi tính sổ ngay nơi hè nhà tôi. Thấy tôi bước ra bọn nhỏ khoe rối rít: “Bác ơi! Quá được.…”. Tôi chưa kịp cười hùa và buông ra mấy câu pha trò với chúng nó thì cơn mưa đã đổ sập xuống, rất nhanh. Đó là chuyện năm ngoái và năm ngoái sao có thể là năm nay. Đúng không? Nên như tất cả bọn nhỏ tôi cũng rất hy vọng là Trung thu năm nay, lân, có thể được gặp lại chị Hằng.
Nguyễn Mỹ Nữ