Tăng tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp
Theo tờ trình của Bộ Quốc phòng về Dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 23.9, tuổi phục vụ trong quân ngũ của quân nhân chuyên nghiệp có thể sẽ tăng so với quy định hiện nay.
Bộ Quốc phòng cho rằng, Điều 47 Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản pháp luật hiện hành quy định “Quân nhân chuyên nghiệp có thể phục vụ tại ngũ từng thời hạn hoặc dài hạn cho đến 50 tuổi” đến nay không còn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; cũng như không phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật Lao động, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội.
Dự án Luật lần này đưa ra hạn tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng (tùy thuộc cấp bậc quân hàm) như sau: cấp úy quân nhân chuyên nghiệp: nam 50 tuổi, nữ 50 tuổi; thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi. Tuy nhiên, đối với một số chức danh như: chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, vận động viên thể dục thể thao, phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp, diễn viên múa, nếu quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ như trên thì không phù hợp về sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Do vậy, dự thảo đã quy định cụ thể hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ cho các đối tượng này và khi hết hạn tuổi phục vụ, nếu có đủ điều kiện thì được xem xét để chuyển sang đảm nhiệm vị trí chức danh khác. Việc quy định tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp là nữ như tuổi của quân nhân chuyên nghiệp nam cùng cấp bậc quân hàm để thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới; quy định tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp nữ là 55 tuổi để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động. Ngoài quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất, dự thảo Luật còn quy định quân nhân chuyên nghiệp được tự nguyện phục vụ tại ngũ từng thời hạn là 6 năm cho đến hết hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm. Khi quân đội có nhu cầu, quân nhân chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi, sức khỏe tốt và tự nguyện thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ 1 đến 5 năm nhưng không quá 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ. Công nhân, viên chức quốc phòng là công dân phục vụ trong tổ chức biên chế, chịu sự quản lý, sử dụng của quân đội và chấp hành quy định của pháp luật, điều lệnh, điều lệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt, đề nghị giao Chính phủ quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với công nhân, viên chức quốc phòng (trong trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội do điều chỉnh tổ chức biên chế mà quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng).
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)