Lễ hội cầu ngư: Cần nâng tầm để trở thành di sản quốc gia
Lễ hội cầu ngư từ lâu được khẳng định là hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo của ngư dân miền biển ở tỉnh ta. Tại hội thảo về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể do Sở VH-TT &DL tổ chức cách đây 2 năm, đã có ý kiến về việc nâng tầm, bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội cầu ngư, nhưng đến nay vấn đề này hầu như chưa được quan tâm hành động kịp thời.
Nét đẹp văn hóa truyền thống miền biển
Lăng Ông Nam Hải ở vạn đầm Hưng Lương (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) đã trải qua 200 năm tồn tại, được gia tặng 6 sắc phong liên tục qua các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định. Đầu tháng 9.2015, UBND xã Nhơn Lý tổ chức trang trọng lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho Lăng Ông Nam Hải. Ông Nguyễn Có (55 tuổi), ngư dân ở Nhơn Lý, bày tỏ: “Lăng Ông gắn liền với đời sống tinh thần và văn hóa xã hội của bà con hai thôn Lý Hưng, Lý Lương từ bao đời nay. Nhà nước quan tâm công nhận di tích cấp tỉnh cho Lăng Ông khiến chúng tôi rất phấn khởi, có thêm ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống”.
Lễ hội cầu ngư ở Lăng Ông Nam Hải xã Nhơn Lý (tổ chức vào tháng 6.2015).
Ngoài Lăng Ông đầu tiên được công nhận di tích cấp tỉnh ở xã Nhơn Lý, hiện còn có hơn 30 Lăng Ông khác ở TP Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn đang tồn tại. Trong đó, nhiều Lăng Ông có lịch sử lâu đời như Lăng Ông ở thôn Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) được xây dựng ban đầu từ năm 1785; Lăng Ông ở thôn Vĩnh Lợi 3 (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) được xây dựng từ năm 1791; Lăng Ông ở thôn An Quang (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) xây dựng năm 1806… Một số lăng Ông còn giữ được nhiều sắc phong của các đời vua, như Lăng Ông ở thôn Kim Giao Nam (xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) còn giữ 10 tờ sắc phong của các đời vua Nguyễn. Gắn liền với không gian Lăng Ông là Lễ hội cầu ngư được duy trì tổ chức hàng năm, là dịp bà con vạn chài khắp nơi về dự hội.
“Điểm nhấn” trong Lễ hội cầu ngư là hát múa bả trạo, loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của cư dân ven biển. Tại các địa phương có Lăng Ông đều hình thành các đội hát múa bả trạo phục vụ lễ hội. Tiêu biểu là đội bả trạo ở thôn Bình Thái vẫn gìn giữ và phát huy nghệ thuật hát múa bả trạo có từ thế kỷ 17 và tồn tại dị bản hát múa bả trạo, mang bóng dáng của hát bội cổ. Theo các nhà nghiên cứu, hát múa bả trạo ở thôn Bình Thái có những nét độc đáo riêng nhờ sử dụng phong phú làn điệu như nam xuân, nam ai, nói lối, ngâm xướng, hò… Còn ở thôn Kim Giao Nam, theo các nghệ nhân cao tuổi thì đội bả trạo ở địa phương đã được tiếp nối các thế hệ hơn 150 năm qua, thể hiện sự độc đáo ở cách trình diễn xếp chữ và nhảy rụp.
Đừng để chậm chân
Tại hội thảo về bảo tồn di sản phi vật thể do Sở VH-TT &DL cách đây 2 năm, đã nêu ra thực trạng người am hiểu nghệ thuật trình diễn bả trạo đã mất dần, trong khi thế hệ trẻ ít ý thức gìn giữ. Việc bảo tồn và phát huy Lễ hội cầu ngư mới chỉ dừng lại ở từng địa bàn dân cư, chưa có sự đầu tư thích đáng ở cấp xã, huyện. Điểm tiêu cực khác là tình trạng nhập nhằng giữa phong tục tập quán và mê tín, cũng như hiện tượng “lợi dụng kinh tế” trong các hoạt động quyên góp tổ chức Lễ hội cầu ngư. Những hạn chế đó ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát huy di sản đến nay vẫn chưa nhận được chấn chỉnh thấu đáo. Trong khi ở một số tỉnh, thành trong khu vực đã có sự nâng tầm Lễ hội cầu ngư và các loại hình nghệ thuật trình diễn liên quan để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sở VH-TT&DL Khánh Hòa đã có sự quan tâm đầu tư nghiên cứu để Lễ hội cầu ngư ở tỉnh này được đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014. Tiếp theo đó, Sở VH-TT&DL Quảng Nam tập trung nghiên cứu xây dựng hồ sơ về hát múa bả trạo mang nét đặc trưng của địa phương, từ đó cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cuối tháng 8.2015, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng đã tổ chức tọa đàm khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội cầu ngư” nhằm lắng nghe ý kiến các nhà nghiên cứu để sớm hoàn thiện hồ sơ khoa học trình Bộ VH - TT&DL xem xét phê duyệt đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Thiết nghĩ, Lễ hội cầu ngư ở Bình Định có “chất và lượng”, lại chứa đựng những giá trị độc đáo riêng. Nếu được “xâu chuỗi” một cách bài bản, khoa học thì hoàn toàn có thể hướng đến việc đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy những nét đẹp của Lễ hội cầu ngư, cũng như tạo sự quan tâm của du khách về một sản phẩm “du lịch văn hóa” mang nét đặc trưng riêng như ở các tỉnh, thành khác đã làm được.
HOÀI THU