“Man mác tình đời”
“Man mác tình đời” (Nxb. Trẻ, 2015) là tập thơ đầu tay, và cũng là tập thơ chắt lọc cả đời người làm thơ của Văn Nhân (tên thật là Ngô Văn Nhân), một thầy giáo dạy văn trường huyện (Trường THCS Phước Hiệp, Tuy Phước).
Tốt nghiệp Đại học Huế, chuyên ngành Ngữ văn, anh yêu nghề giáo và yêu văn chương. Cả tập thơ của anh, không đi sâu vào một mảng đề tài nào rõ rệt, mà chỉ man mác tình đời. Nhưng anh đến với thơ, đầu tiên là vì tình yêu: Thuở ấy yêu em để làm thơ/ Để hòa hiện thực với mộng mơ, nhưng lại là tình lỡ, vì ông Tơ bà Nguyệt: Chẳng chịu se duyên giùm hai đứa/ Nên mãi cô đơn, vẫn hững hờ (Thuở ấy); hay Em ở đâu rồi? Em ở đâu? Trăng thu vỡ vụn dưới chân cầu (Cho người tình lỡ). Cảm hứng ấy đọng ở nhiều bài thơ tình sau nữa của anh (Sầu đêm, Thư không gởi, Bài thơ giã biệt…). Anh dành cho nghề phấn trắng, bảng đen, với những trang văn cùng lũ học trò nhiều lời thơ tâm huyết, tình cảm (Khúc bi thương). Và do vậy, anh trải lòng mình với quê hương khu Đông, Tuy Phước, nơi anh gắn bó với nghề, với người: Về lại khu Đông mười sáu năm xa cách/ Vẫn mái trường không phải mái trường xưa (…) Nghề cùng mình đã duyên nợ bấy lâu/ Nào phân biệt vùng sâu hay vùng cận (Về lại khu Đông). Rồi tình bạn (Thằng bạn cũ bao năm rồi không gặp/ Vẻ u hoài chừng lận đận tình duyên - Về biển đảo), tình yêu quê hương Việt (Động Thiên Đường; Mỹ Khê chiều hè…) cứ thế nối dài trong 41 bài ở tập thơ.
Tìm được bài thơ hay dưới góc độ “kỹ thuật” ngôn từ, cấu tứ e hơi khó, nhưng cả tập thơ đã mang lại cho ta chút man mác chân chất, trong trẻo, và nhiều lúc sâu lắng về tình đời: tình người, tình quê và tình nghề của tác giả.
KHẢ XUÂN