Cần làm rõ hơn quy định hạn chế quyền lập Hội
Sáng nay 24.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có phiên thảo luận về dự án Luật về Hội.
Thay mặt Chính phủ trình dự luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, quyền lập Hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Nhà nước đã tạo điều kiện cho hội hoạt động, phát triển và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp đối với các hội thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Đến nay, các hội ở nước ta phát triển đa dạng với quy mô, phạm vi và tính chất hoạt động khác nhau. Về số lượng, tính đến tháng 12-2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù (28 hội hoạt động phạm vi cả nước và 8.764 hội hoạt động phạm vi địa phương). Để thể chế hoá Hiến pháp năm 2013, Luật về hội được xây dựng nhằm bảo đảm thực hiện quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò của hội và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hội là cần thiết.
Theo dự thảo Luật, quyền lập hội của công dân, pháp nhân Việt Nam gồm: quyền tham gia ban vận động thành lập hội; quyền tham gia thành lập hội; quyền gia nhập hội, quyền tham gia hoạt động của hội, quyền tham gia điều hành hoạt động của hội và quyền ra khỏi hội theo quy định của điều lệ hội. Công dân, pháp nhân Việt Nam thực hiện quyền lập hội theo quy định của luật này và quy định của pháp luật có liên quan. Công dân, pháp nhân Việt Nam thực hiện quyền lập hội không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc; quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Dự thảo Luật cũng quy định công dân, pháp nhân Việt Nam bị hạn chế quyền lập hội trong các trường hợp sau: vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; cá nhân bị mất quyền công dân hoặc bị hạn chế quyền công dân theo quy định của pháp luật; mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình; đang bị truy cứu trách nhiệm hoặc đang chấp hành các hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự; bị kết án nhưng chưa được xóa án tích. Pháp nhân Việt Nam đang trong quá trình xem xét phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, tạm đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật cũng bị hạn chế quyền thành lập hội.
Báo cáo thẩm tra dự luật, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội cho biết, Thường trực UBPL nhất trí với những quan điểm, yêu cầu xây dựng dự án luật được nêu trong tờ trình của Chính phủ và cho rằng, những nội dung quy định trong luật, một mặt phải bảo đảm cho công dân thực hiện quyền lập hội của mình, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội, đồng thời bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, dự thảo Luật quy định: “Luật này không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam”. Ông Phan Trung Lý cho biết Thường trực UBPL tán thành với dự thảo Luật và cho rằng, đây là các tổ chức chính trị - xã hội có vị trí, vai trò đặc biệt, được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và được Đảng bố trí các cán bộ chủ chốt trong ban lãnh đạo, được Nhà nước bảo đảm ngân sách hoạt động, cơ sở vật chất; có cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức. Nếu xác định vị trí, vai trò của các tổ chức này là các hội thuần tuý mang tính chất xã hội tự quản và chịu sự điều chỉnh của luật về hội là chưa phản ánh đúng bản chất và thực tế sự phát triển lịch sử của hệ thống chính trị ở nước ta.
Đối với hội không có tư cách pháp nhân (như hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, dòng họ...), Chính phủ đề nghị không áp dụng luật này vì các hội này không có trụ sở, không có điều lệ, hoạt động chỉ mang tính gặp gỡ, trao đổi thông tin, không có người đại diện của hội trước pháp luật. Về vấn đề này, Thường trực UBPL nhận thấy, cần phân biệt quyền hội họp và quyền lập hội của công dân được quy định tại Điều 25 của Hiến pháp. Những việc như gặp gỡ, trao đổi thông tin của những người đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, dòng họ… mà không có tổ chức chặt chẽ thì đó chỉ là việc công dân giao lưu, hội họp, không phải là tổ chức hội mà luật này điều chỉnh. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều tổ chức đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về hội, tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc của hội, có người đứng đầu đại diện cho hội (nhưng không đăng ký), do đó, không có tư cách pháp nhân và không chịu sự điều chỉnh của pháp luật hiện hành về hội. Đây là vấn đề cần được cân nhắc kỹ, bởi vì các tổ chức này vẫn được thành lập và hoạt động trên cơ sở nguyện vọng của người dân. Số lượng của loại tổ chức này rất lớn, nhưng theo quy định của dự thảo Luật không phải là hội thì việc quản lý nhà nước cũng như việc xử lý vi phạm pháp luật đối với loại tổ chức này sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, để bảo đảm quyền của công dân cũng như bảo đảm công tác quản lý nhà nước thì cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh thích hợp với các loại hình tổ chức hội không có tư cách pháp nhân (không đăng ký, không được thành lập theo quy định của dự thảo luật này).
Cho ý kiến về dự thảo Luật, Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Đức Hiền cho biết, theo dự luật quyền lập hội bị hạn chế trong một số trường hợp. Tuy nhiên, quy định hạn chế như thế nào còn chưa rõ? Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng quy định về hạn chế quyền lập hội đã tương đối cụ thể trong dự luật. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin tiếp thu ý kiến đại biểu để tiếp tục hoàn thiện về quy định này” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói.
Phó Chủ nhiệm Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, Luật về hội không chỉ thể chế hoá Hiến pháp mà còn phúc đáp nhu cầu tự nhiên của xã hội, của quyền con người. Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, quy định thế nào phải tính kỹ. Cụ thể là cần cân đối các nội dung trong dự luật này, và những vấn đề quy định trong điều lệ hội. Ví dụ quy định về pháp nhân thì liên quan đến Bộ luật Dân sự và điều lệ hội chứ không phải luật này. “Tôi rất băn khoăn là đặt ra vấn đề pháp nhân đối với hội để làm gì? Để dễ quản lý hay vì lý do gì? Có nhiều chủ thể không có tư cách pháp nhân như tổ hợp tác, hộ gia đình nhưng ta vẫn quản lý được. Theo tôi không nên đặt ra quy định hội có tư cách pháp nhân, miễn là họ đủ năng lực, tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình” – ông Nguyễn Đình Quyền góp ý.
Liên quan đến vấn đề tài chính của hội, ông Nguyễn Đình Quyền cho biết, ông không đồng tình cách đặt vấn đề của Chính phủ là hội nào đã được cấp kinh phí hoạt động thì vẫn cứ cấp, các hội sau thì… “hạ hồi phân giải”. Theo ông Quyền, hiện nay đúng là một số hội có đặc thù, nhưng đặc thù thì phải có tiêu chí, không thì sẽ dẫn đến “xin – cho”, ai cũng muốn xin kinh phí cho mình. “Lộ trình “lấy thu bù chi” của các hội trong 20-30 năm nay đã thực hiện được đâu? Để minh bạch về tài chính thì phải có các tiêu chí rõ ràng?” - ông Nguyễn Đình Quyền nói.
Theo HÀM YÊN (SGGP)