Nghề làm bún - bánh An Thái thăng hoa
Ngoài sản xuất đặc sản bún Song Thằn, hiện nay người dân thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn còn tập trung mở rộng sản xuất các loại bún khô, bánh tráng cung cấp cho thị trường nhiều nơi, qua đó phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho nhiều người.
Theo ông Lâm Chí Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn, làng nghề bún- bánh An Thái có trên 150 cơ sở sản xuất trong diện quy hoạch làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Về phía địa phương, từ nhiều năm nay chính quyền xã đã hỗ trợ kinh phí xây cổng, đường bê tông vào làng nghề, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, để làng nghề đủ điều kiện ổn định sản xuất. Xã cũng chú trọng việc xúc tiến quảng bá sản phẩm làng nghề, nhất là bún Song Thằn, tại các hội chợ, triển lãm trên toàn quốc, tiến tới xây dựng thương hiệu tập thể làng nghề. Hiện 1 kg bún Song Thằn có giá khá cao, khoảng 180 ngàn đồng/kg nhưng vẫn rất hút hàng.
Ngoài sản xuất đặc sản bún Song Thằn làm từ đậu xanh, người dân An Thái cũng tập trung mở rộng sản xuất các loại bún khô như bún gạo, bún bột mì, bánh phở... nhất là bánh tráng cung cấp cho thị trường nhiều nơi. Từ hơn 3 năm nay, nhiều hộ đã đầu tư mua dây chuyền sản xuất bánh tráng, sản xuất bún để “cơ giới hóa”. Nhờ vậy, sản lượng làm ra tăng lên gấp nhiều lần, sản phẩm bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nên càng hút hàng hơn, được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh.... Bình quân, mỗi ngày cả làng nghề tiêu thụ khoảng 50 tấn gạo để chế biến ra các loại sản phẩm.Từ lâu rồi, gạo trong xã làm ra không đủ cung cấp cho sản xuất, làng nghề phải nhập thêm từ nơi khác.
Ông Nguyễn Văn Tâm (62 tuổi), một chủ cơ sở chuyên sản xuất bún Song Thằn, bún khô, cho biết: “Tôi theo nghề cha mẹ từ hồi còn rất nhỏ. Các công đoạn sản xuất hồi xưa chủ yếu làm bằng tay, còn bây giờ được máy móc hỗ trợ nhiều khâu nên đỡ nhiều. Giờ chỉ nhào, rê bột vào nước sôi, vớt trải ra vỉ phơi là còn làm thủ công. Đỡ tốn sức mà năng suất, thu nhập cũng tăng lên đáng kể. Hiện tôi phải thuê đến 10 người làm việc thường xuyên”. Còn theo chủ cơ sở sản xuất bún Hưng Thịnh, thì nghề làm bún khô không khó, các công đoạn làm bún không quá cầu kỳ, nhưng mỗi cơ sở đều có bí quyết riêng. Muốn bún ngon thì phải chọn được gạo dẻo thơm; bột gạo phải xay nghiền thật kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian.
Làng nghề bún - bánh An Thái đang có bước phát triển mạnh mẽ, đầu ra thuận lợi đã tạo việc làm cho hơn 800 lao động nông nhàn ở địa phương, tăng gần 500 lao động so với 3 năm trước. Chị Nguyễn Thị Tẩm (37 tuổi), làm thuê một cơ sở chế biến bún - bánh An Thái, cho hay: “Nhờ làng nghề phát triển mà chị em chúng tôi có việc làm thường xuyên. Tiền công một ngày hiện là 100 ngàn đồng; nếu làm cả trưa và tối, được tính thêm tiền”.
Làng nghề phát triển, “ăn nên, làm ra” cũng thúc đẩy các cơ sở sản xuất máy nông cụ phát triển nhanh. Trước đây, muốn mua một dây chuyền sản xuất bún - bánh tráng máy, người dân phải vào tuốt trong TP Hồ Chí Minh hoặc ra tận Hà Tây đặt hàng với giá gần 100 triệu đồng/máy, thì nay tại địa phương đã hình thành nên 2 cơ sở chuyên sản xuất loại máy này, chất lượng không thua kém, giá thành chỉ tầm 40 triệu đồng/máy. Trước, chỉ có vài nhà dám đầu tư sắm máy sản xuất, nay con số này đã tăng lên gần cả trăm.
Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc Lâm Chí Hoàng cho biết, hiện nay, ngoài một số hộ sản xuất đã đăng ký thương hiệu cho sản phẩm bún Song Thằn, thì các sản phẩm bún khô khác của làng nghề An Thái vẫn chưa được chú trọng gầy dựng thương hiệu. Vì vậy, chính quyền xã đang chuẩn bị xúc tiến để xây dựng thương hiệu làng nghề bún - bánh An Thái hướng đến mục tiêu quảng bá rộng rãi các sản phẩm bún khô khác của làng nghề để nhiều người biết đến hơn. Từ đó, các sản phẩm này có thể được xuất hiện trong hệ thống siêu thị thay vì chỉ “âm thầm” đi vào các chợ như hiện nay.
LÊ MINH