Quyết định hành chính gây bất lợi cho đối tượng thi hành: Có nên lấy ý kiến đối tượng thi hành?
Sáng nay, 25.9, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự án Luật Ban hành quyết định hành chính.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, quyết định hành chính (QĐHC) là văn bản áp dụng pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhân danh quyền lực công nhằm quyết định một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính. Nội dung QĐHC làm phát sinh, thay đổi, hạn chế hoặc chấm dứt nghĩa vụ, quyền, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc liên quan đến lợi ích công cộng. Do đó, nó tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, chủ trương về một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, chuyển đổi từ nền hành chính can thiệp sang nền hành chính phục vụ thì hoạt động ban hành QĐHC cần phải đặc biệt chú trọng.
Qua khảo sát cho thấy thực tiễn ban hành QĐHC có nhiều vướng mắc, bất cập như: Cán bộ, công chức lúng túng trong ban hành QĐHC (do không rõ trường hợp nào thì cần đính chính, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi hoặc đình chỉ thi hành QĐHC; có những QĐHC xác định trách nhiệm của người dân nhưng lại có hiệu lực thi hành trước khi đến tay người nhận; có những quyết định không thể thi hành trong nhiều năm nhưng không rõ có cần thu hồi hay không...); thẩm phán hành chính thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng để xem xét, đánh giá một QĐHC là trái hay không trái pháp luật, dẫn đến thực tế là nội dung bản án phúc thẩm ngược với nội dung án sơ thẩm đối với hàng loạt QĐHC; người dân thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng để khiếu nại, khởi kiện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của mình.
Thực tế cho thấy, số lượng vụ việc khiếu nại, khởi kiện QĐHC hàng năm không nhỏ cũng phần nào phản ánh chất lượng của các QĐHC là chưa đảm bảo. Một số vụ việc trở thành điểm nóng, một số vụ việc trở nên phức tạp đã ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định chính trị - xã hội của một địa phương, một vùng, thậm chí trên toàn quốc. Những vụ việc như vậy được đánh giá là do một số QĐHC không hợp lý, gây thiệt hại cho một cộng đồng người dân, hoặc có những QĐHC trái pháp luật nhưng không được xử lý kịp thời. Trong tương lai, nếu pháp luật không điều chỉnh chặt chẽ thì số vụ khiếu nại QĐHC sẽ có xu hướng gia tăng khi nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao trong điều kiện tăng cường dân chủ và pháp quyền, triển khai thi hành Hiến pháp mới. Để khắc phục bất cập này, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc xây dựng, ban hành Luật QĐHC là cần thiết.
Dự thảo luật trình UBTVQH quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục ban hành QĐHC của cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành QĐHC. Luật ban hành với mục đích áp dụng chung cho việc ban hành các QĐHC, đồng thời khắc phục tình trạng hiện nay là mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực đã có quy định về việc ban hành QĐHC, nhưng các quy định này còn rải rác, manh mún hoặc chưa thống nhất, đồng bộ, làm ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của nền hành chính.
Do đó, trong mối quan hệ với các luật liên quan, dự thảo luật xác định rõ: luật này được áp dụng chung cho việc ban hành QĐHC; trường hợp luật khác không quy định thì áp dụng quy định của luật này. Để khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn, nhằm tạo sự thống nhất trong việc thực hiện ủy quyền ban hành QĐHC, dự thảo Luật đã đưa ra các nguyên tắc ủy quyền ban hành QĐHC. Theo đó, người ủy quyền chỉ được ủy quyền trong phạm vi thẩm quyền của mình; chỉ được ủy quyền cho cấp phó hoặc cấp dưới trực tiếp; người được ủy quyền chỉ được ban hành QĐHC trong phạm vi được ủy quyền; người được ủy quyền không được ủy quyền lại; việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản…
Về trình tự, thủ tục chung ban hành QĐHC, căn cứ vào mức độ ảnh hưởng, tác động của QĐHC đối với đối tượng thi hành, bên thứ ba và lợi ích công cộng, dự thảo luật quy định trình tự, thủ tục riêng đối với các trường hợp này theo hướng chặt chẽ hơn. Cụ thể, đối với QĐHC bất lợi cho đối tượng thi hành hoặc cho người thứ ba thì ngoài thủ tục chung, cơ quan ban hành QĐHC phải lấy ý kiến của đối tượng thi hành, bên thứ ba, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đối với QĐHC liên quan đến lợi ích công cộng thì ngoài thủ tục chung, cơ quan ban hành QĐHC phải tham vấn ý kiến cộng đồng, kiểm tra tính pháp lý đối với dự thảo QĐHC.
Dự thảo luật cũng quy định thời điểm thi hành QĐHC là thời điểm QĐHC có hiệu lực, trừ các trường hợp: QĐHC bất lợi cho đối tượng thi hành thì thời điểm thi hành là thời điểm đối tượng thi hành nhận được quyết định đó; QĐHC cần có thời gian để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thi hành thì thời điểm thi hành phải được xác định hợp lý và ghi rõ trong QĐHC đó.
Cho ý kiến về dự án luật, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội tỏ ra băn khoăn về quy định cơ quan ban hành QĐHC phải lấy ý kiến của đối tượng thi hành trong trường hợp QĐHC bất lợi cho đối tượng thi hành. “Nếu quy định như vậy bao giờ quyết định được ban hành, nếu đối tượng không đồng thuận thì sao? Tương tự, đối với QĐHC liên quan đến lợi ích công cộng thì ngoài thủ tục chung, cơ quan ban hành QĐHC phải tham vấn ý kiến cộng đồng. Quy định này đã được nêu ở một số luật khác, và quy định khá cụ thể, rành mạch, có nhất thiết phải đưa vào luật này? Liên quan đến vấn đề này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt câu hỏi: “Tham vấn ý kiến cộng đồng là cộng đồng nào?”. Theo bà Mai, phải khoanh lại việc lấy ý kiến ở cộng đồng bị ảnh hưởng, nếu mở rộng quá thì khó khả thi và dễ bị kiện ngược.
Thẩm tra dự án luật, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định về trình tự, thủ tục ban hành QĐHC bất lợi cho đối tượng thi hành hoặc cho người thứ ba trong dự luật không rõ ràng, phức tạp, khó áp dụng trong thực tiễn. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc lại quy định về ban hành QĐHC bất lợi cho đối tượng thi hành hoặc cho người thứ ba. Số lượng ban hành QĐHC theo loại này rất lớn, trong khi dự luật chưa quy định cụ thể về thời gian giải quyết đối với loại quyết định này là bao lâu để bảo đảm tiến độ giải quyết công việc, nhất là trong điều kiện bộ máy, biên chế hiện nay tại các cơ quan nhà nước còn hạn chế. “Vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ để bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng khi luật có hiệu lực lại gây khó khăn hơn cho công tác ban hành QĐHC tại các cơ quan, địa phương” – ông Phan Trung Lý nói.
Theo HÀM YÊN (SGGP)