An Lão: Niềm vui từ những công trình văn hóa cộng đồng
Chỉ trong thời gian chưa tròn 2 năm (2012 và 2013), đã có 12 công trình văn hóa cộng đồng được xây dựng, lần lượt đưa vào sử dụng ở huyện An Lão. Các công trình này góp phần hoàn thiện thêm một bước cơ sở hạ tầng văn hóa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân.
Huyện An Lão có hơn 27.000 người dân, với 3 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, H’re và Bana. Đây là cội nguồn để An Lão trở thành một trong những địa phương có môi trường văn hóa phong phú, đa dạng.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo huyện miền núi này ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Theo đó các hoạt động văn hóa cộng đồng cũng được chú trọng đầu tư thêm, nhiều thôn, xã có nhà văn hóa cộng đồng, khu sinh hoạt văn hóa - thể dục thể thao, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đã đến với đồng bào…
Ông Hoàng Ngọc Thành, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện An Lão, cho biết: “Nhiều năm qua, huyện An Lão vẫn duy trì việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao từ huyện đến cơ sở, nhất là các lễ hội văn hóa và đại hội thể dục thể thao cấp xã. Không chỉ tạo nên một khí thế mới về hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ trong cộng đồng dân cư, các hoạt động này còn góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở An Lão”.
Từ năm 2012, niềm vui lớn cho người dân An Lão là huyện đã được đầu tư hơn 26 tỉ đồng để xây dựng và lần lượt đưa vào sử dụng nhiều công trình văn hóa cộng đồng, nhằm hướng đến kỷ niệm 50 năm Chiến thắng An Lão (7.12.1964-7.12.2014). Trong đó, nhiều công trình tiêu biểu như 6 khu sinh hoạt văn hóa - thể thao ngoài trời tại các xã An Hòa, An Tân, An Quang, An Trung, An Hưng và An Nghĩa. Mỗi Khu sinh hoạt văn hóa - thể thao xã có diện tích 5.000-10.000m2, khuôn viên được xây dựng một sân khấu cố định ngoài trời 120-300m2. Riêng trong năm 2013, huyện An Lão đầu tư hơn 8 tỉ đồng để xây dựng 5 nhà văn hóa cộng đồng tại các xã An Tân, An Hưng, An Vinh, An Nghĩa, An Toàn. Mỗi nhà văn hóa cộng đồng có sức chứa 100-200 chỗ ngồi, có sân khấu và các phòng chức năng phục vụ hội họp, biểu diễn…
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã An Tân, phấn khởi cho biết: “Đầu năm 2013, Khu sinh hoạt văn hóa - thể thao xã An Tân được khánh thành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để chúng tôi tổ chức tốt Lễ hội Văn hóa và Đại hội TDTT cấp xã. Bên cạnh đó, Nhà văn hóa cộng đồng xã đang được xây dựng (sẽ được nghiệm thu vào tháng 7 tới) tiếp tục đáp ứng tốt hơn việc tổ chức các hoạt động cũng như nhu cầu tập luyện, sinh hoạt, biểu diễn văn hóa văn nghệ quần chúng, thể dục thể thao của nhân dân trong xã”.
Đến nay, hầu hết các thôn, làng trên địa bàn huyện An Lão đều có trụ sở và nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, cũng trong năm nay, huyện sẽ tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà văn hóa cộng đồng cấp huyện, được xây dựng tại thị trấn An Lão. Đây là công trình được thiết kế 2 tầng theo kiến trúc hiện đại nhưng mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào miền núi, có tổng diện tích xây dựng 6.853m2, bao gồm: nhà văn hóa 300 chỗ ngồi, có khu tiếp đón, phục vụ biểu diễn; phòng truyền thống và thư viện rộng 1.543m2; phòng làm việc, phòng hoạt động năng khiếu. Tổng kinh phí dự toán công trình hơn 12,6 tỉ đồng.
HOÀNG NAM QUỐC