Ra khỏi vùng nguy hiểm!
Hiện nay, Bình Định và các tỉnh miền Trung đang chuẩn bị bước vào mùa mưa. Gọi là vào mùa mưa thì cũng đồng nghĩa với việc vào… mùa thiên tai, vì đi cùng với mùa mưa là mùa bão, mùa lũ lụt với khả năng gây thiệt hại về nhiều mặt đối với sản xuất và đời sống.
Để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có thể gây ra, một trong những biện pháp hiệu quả nhất là chủ động di dời dân cư sinh sống ở các vùng thấp hay bị ngập lụt, vùng ven sông suối bị xói lở, vùng ven biển bị triều cường… tiềm ẩn nguy cơ cao đến nơi an toàn để có thể “an cư lạc nghiệp” lâu dài. Chính vì vậy, việc quy hoạch các khu tái định cư (TĐC) là giải pháp mang tính triệt để trong việc ứng phó với thiên tai cho dân cư các vùng nguy cơ cao.
Tại Bình Định, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 15 khu TĐC cho vùng thiên tai đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh để di dời dân đến sinh sống. Tuy nhiên, việc di dời dân đến các khu TĐC đã xây dựng xong lại diễn ra rất ì ạch; dự kiến bố trí TĐC cho 2.639 hộ dân đến ở nhưng tháng 9.2015, các địa phương mới chỉ di dời được 913 hộ, còn đến 1.726 hộ vẫn ở nơi ở cũ dù đã được bố trí đất tại khu TĐC. Hàng ngàn hộ chưa di dời đến các khu TĐC cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn hộ vùng thiên tai tiếp tục đối mặt với nguy hiểm trong mùa mưa lũ sắp tới.
Và không chỉ có thế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều khu vực dân cư nằm trong tình trạng nguy hiểm. Số liệu thống kê cho thấy hiện có 20.400 hộ dân với 86.000 người ở 110 xã, phường thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm cần có nhà ở kiên cố hoặc TĐC. Tại nhiều nơi nhu cầu di dời là rất cấp bách nhưng chưa thể thực hiện vì chưa quy hoạch được địa điểm, hoặc chưa có kinh phí thực hiện.
Vì vậy, việc nơi cần thì chưa có, nơi có thì không chịu đi đang là một nghịch lý trong công tác di dời dân vùng thiên tai ở tỉnh ta. Tất nhiên trong câu chuyện này còn có những lý do khiến người dân chưa mặn mà như hạ tầng chưa đầy đủ, sản xuất và sinh hoạt khó khăn hơn nơi ở cũ, thậm chí khó khăn về kinh phí xây dựng lại nhà cửa nữa…
Tuy nhiên, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng thiên tai nguy hiểm là yêu cầu cao nhất. Vì vậy, vấn đề đặt ra là các cơ quan có trách nhiệm cần xác định rõ “nút thắt” của câu chuyện này là gì, từ đó đề ra giải pháp tháo gỡ để công tác phòng tránh thiên tai thật sự mang lại hiệu quả. Thực tế thiệt hại nghiêm trọng trong các đợt thiên tai mới đây tại một số nơi trong nước là bài học cảnh tỉnh cho chúng ta trong công tác di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm!
H.Đ