Dự án chậm triển khai, dân khổ sở
Mới đây, trong đợt kiểm tra tình hình triển khai thi hành Luật Ðất đai năm 2013 của Ban Pháp chế HÐND tỉnh, các địa phương đã thẳng thắn kiến nghị những bất cập xung quanh việc các dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, làm ảnh hưởng không chỉ đời sống của người dân trong vùng dự án mà còn làm ANTT tại địa phương bị ảnh hưởng xấu.
Ông Võ Văn Dậu, Trưởng phòng TN-MT huyện Phù Cát, cho biết: “UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh và Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh nhưng vẫn chưa được giải quyết. Hiện nay, tại một số khu vực đã được đền bù và cả những diện tích đưa vào diện bồi thường - nhưng lâu ngày không sử dụng, người dân đã tự ý khai hoang sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, tình trạng xây dựng nhà trái phép đang diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng chỉ vận động, tuyên truyền, lập biên bản đình chỉ, chứ nói thật là vẫn chưa ngăn chặn được”.
“Toàn tỉnh hiện có 32 dự án chậm triển khai, trong đó có 19 dự án quá 12 tháng không đưa đất vào sử dụng và 13 dự án chậm tiến độ 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư. Theo Ðiều 64 Luật đất đai, thì các trường hợp vi phạm trên sẽ bị thu hồi đất”
Điển hình như dự án khu khách sạn nghỉ dưỡng Việt Mỹ, ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, được khởi công vào tháng 12.2007, rồi im hơi lặng tiếng luôn cho đến nay. Hệ lụy là, 9 năm qua, khoảng 350 hộ dân sống trong khu vực thuộc dự án chưa được địa phương cấp đất ở, cũng như không được phép xây dựng nhà. Hay như dự án khu công nghiệp Cát Trinh, do tập đoàn P.L.T. làm chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chỉ dừng ở mức công bố quy hoạch. Điều này khiến cho người dân có ruộng đất trong khu quy hoạch gặp nhiều khó khăn, như không được phép xây dựng nhà mới, trong khi nhiều hộ phải sống chung một nhà, nhiều trường hợp chuyển nhượng phải tách thửa không thực hiện được.
Trước những bức xúc của người dân và tình trạng cơi nới, lấn chiếm của người dân nằm trong vùng dự án, gây mất ANTT, UBND huyện Phù Cát đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn kinh phí để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các hộ bị ảnh hưởng; đồng thời thông báo tính khả thi, tiến độ triển khai dự án, vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng, để người dân an tâm, chấp hành đúng chủ trương, chính sách.
Tại buổi làm việc của Ban Pháp chế HĐND tỉnh với Sở TN-MT, ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh, đề nghị: “Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân trong vùng dự án chậm triển khai cũng như giữ gìn ANTT và góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, Sở cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai, báo cáo kịp thời cho tỉnh để có giải pháp xử lý phù hợp; kiểm tra công tác xác nhận nguồn gốc đất của cấp cơ sở để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cũng như đảm bảo nghĩa vụ tài chính”.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 32 dự án chậm triển khai, trong đó có 19 dự án quá 12 tháng không đưa đất vào sử dụng và 13 dự án chậm tiến độ 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư. Theo Điều 64 Luật đất đai, thì các trường hợp vi phạm trên sẽ bị thu hồi đất. Ngoài ra, trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng, nhưng hết thời hạn gia hạn mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không phải bồi thường.
Luật quy định là vậy, song trên thực tế việc thu hồi đất đối với những dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực hiện được, bởi theo ông Hà Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT), thì: “Việc thu hồi các dự án chậm triển khai này gặp nhiều vướng mắc vì chưa có văn bản hướng dẫn, đối với những dự án hết thời hạn giao đất thì xác định thời điểm nào để tính gia hạn tiếp. Ngoài ra, cũng có những dự án xây dựng dở dang, chủ đầu tư thế chấp dự án cho ngân hàng, nên chưa thu hồi được. Vấn đề này, Bộ TN-MT đang nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết”.
KIỀU ANH