Có thể dự phòng đột quỵ
Ðột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là hiện tượng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Hiện tượng này có tỉ lệ mắc phải ngày càng tăng. Ðây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau ung thư và bệnh tim mạch. Thế nhưng việc tầm soát, theo dõi và điều trị các nguy cơ của đột quỵ chưa được quan tâm đúng mức.
Hằng năm, BVĐK TP Quy Nhơn điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân bị đột quỵ. Trong đó, tỉ lệ tử vong là 20%, di chứng nặng 30%, di chứng một phần 40% và chỉ 10% hồi phục hoàn toàn không để lại di chứng.
Trong dự phòng đột quỵ, điều quan trọng là phải phát hiện sớm, loại bỏ hoặc điều trị tốt các yếu tố nguy cơ, như một số bệnh lý về tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, hẹp van tim, rối loạn nhịp tim… Yếu tố nguy cơ gây ra bệnh cũng có thể là thói quen uống rượu, hút thuốc lá, ít vận động thể lực, uống thuốc ngừa thai.
Đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa. Trên thực tế lâm sàng, nhiều bệnh nhân đột quỵ ở tuổi dưới 40. Các dấu hiệu ban đầu của đột quỵ có thể rầm rộ nhưng nhiều khi cũng mơ hồ, khó nhận biết. Một số dấu hiệu gợi ý như: tê nửa người hoặc nửa mặt, yếu nửa người, nói khó, động tác vụng về, nhìn mờ một hoặc hai bên, chóng mặt, nhức đầu…
Khi thấy có các dấu hiệu đột quỵ, người nhà nên cho bệnh nhân nằm nghỉ ở chỗ thoáng, chú ý đỡ bệnh nhân tránh ngã, sưởi ấm nếu thời tiết quá lạnh. Nếu bệnh nhân mê nên cho nằm nghiêng về một bên, lấy hết răng giả, lau sạch đờm trong miệng, đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Không nên cho bệnh nhân uống bất kỳ thuốc gì, kể cả thuốc hạ áp khi chưa có ý kiến của cán bộ y tế, không ép ăn uống, không cạo gió, chích lễ, cúng vái…
Trong điều trị đột quỵ, khoảng thời gian từ khi phát bệnh đến khi nhập viện càng sớm thì khả năng cứu sống tế bào não càng cao. Bệnh nhân qua khỏi đột quỵ vẫn có thể tái phát, tỉ lệ khoảng 10% trong 1-3 tháng sau đột quỵ lần đầu. Dự phòng tái phát bệnh cần tích cực điều trị các yếu tố nguy cơ quan trọng, như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng lipid máu… Đồng thời thay đổi lối sống, tập luyện kết hợp phục hồi chức năng. Tùy theo đột quỵ nhồi máu hay xuất huyết mà dùng thuốc phù hợp.
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng được bằng cách quản lý và điều trị các yếu tố nguy cơ. Khi phát bệnh cần đến viện càng sớm càng tốt để tăng khả năng cứu sống tế bào não. Khi đã bị đột quỵ cần điều trị kiên trì, tích cực tập luyện và dự phòng tái phát.
BS. BÀNH QUANG KHẢI
(BVĐK TP Quy Nhơn)