Tết Trung thu trong văn thơ Bác
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng từ thuở bôn ba tìm đường cứu nước đến khi là lãnh đạo Ðảng - Nhà nước, Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn dành tình thương yêu của mình cho thế hệ trẻ. Ðặc biệt, mỗi Rằm tháng Tám -Tết Trung thu, Bác thường làm thơ, gửi thư chúc mừng thiếu niên, nhi đồng nhân ngày Tết của các em.
Ngày nay, đọc lại những vần thơ, lời thư Bác viết gửi cho các thiếu niên, nhi đồng dịp Tết Trung thu tưởng như còn ấm nồng tình thương yêu của Bác dành cho thế hệ tương lai của đất nước. Ngày 17.9.1945, nhân dịp Tết Trung thu đầu tiên của Nước Việt Nam độc lập, chỉ trong một tuần lễ Bác đã có hai bức thư “Tết Trung thu với nền độc lập” gửi thư cho thiếu nhi cả nước. Cũng trong ngày 17.9 năm đó Bác đã viết một bài báo: “Tết Trung thu với nền độc lập” với lời văn giản dị mà bao la tình:
“Cùng các trẻ em yêu quý!
Hôm nay là Tết Trung thu.
Mẹ đã sắm cho các em nào đèn, nào trống, nào pháo, nào hoa và nhiều đồ chơi khác. Các em vui vẻ nhỉ!
Cái cảnh trăng tròn gió mát, hồ lặng trời xanh của Trung thu lại làm cho các em thêm vui cười hớn hở.
Các em vui cười hớn hở, già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ em. Trung thu năm nay nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập” (Báo Cứu Quốc số 45)
Nhân dịp Tết Trung thu năm 1948 cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân pháp trong giai đoạn cam go, Bác viết trong thư: “Mặc dầu giặc Tây độc ác, chúng quyết không thể ngăn trở trăng thu vừa đẹp, vừa tròn. Mặc dầu giặc Tây hung tàn, chúng quyết không thể ngăn trở các cháu vui tươi và hăng hái. Mặc dầu giặc Tây bạo ngược, chúng quyết không thể ngăn trở chúng ta kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công”.
Tết Trung thu năm 1949, Bác lại có thư gửi các cháu thiếu nhi. Bác khen ngợi “các cháu tiến bộ hơn năm ngoái” cả “về mặt thi đua học hành” và “về mặt tham gia kháng chiến”...
Ðặc biệt, có những bức thư Trung thu được Bác mở đầu hay kết thúc bằng những câu thơ, hoặc toàn bức thư là những vần thơ đầy xúc động với bao nỗi niềm yêu thương, ân cần, chu đáo của một người ông hiền từ nhớ thương từng đứa cháu nhỏ. Thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng năm 1951. Mở đầu bức thư Bác viết:
Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung.
Những câu thơ, câu văn Bác viết cho thiếu nhi trong ngày Tết vui của bầy trẻ thơ thật gần gũi, có khi đến nôm na… đó là văn phong của Bác. Dù là nói hay viết, Bác đều hướng đến đối tượng mình cần truyền đạt. Đối với thiếu niên, nhi đồng Bác dành tình cảm sâu sắc, cảm động. Niềm vui của Bác là được nhìn thấy các thiếu nhi Việt Nam đón Tết Trung thu trong hòa bình, trong niềm tự hào của người dân của một nước độc lập.
Cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong thư “Nói chuyện Trung thu với các em nhi đồng” năm 1960 Bác kể thật dí dỏm: “Theo chuyện đời xưa Việt Nam thì trên mặt trăng có chú Cuội chăn trâu: Chú Cuội ngồi ở trong trăng. Để trâu ăn lúa nhăn răng mà cười...”. Cuối thư Bác viết: “Nhờ cách mạng tháng Tám thành công và kháng chiến cứu nước thắng lợi, các em đã sinh trưởng trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ Đảng săn sóc và Đoàn giúp đỡ, các em sẽ cố gắng về nhiều mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Trong những tháng năm Bắc-Nam chia cắt, tình thương của Bác dành cho đồng bào miền Nam càng sâu đậm. Tết Trung thu năm 1956, Bác đã gửi thư cho các cháu thiếu nhi miền Nam bày tỏ niềm thương nhớ và động viên các cháu tin tưởng đến ngày sum họp, đoàn tụ tại hai miền Bắc, Nam sẽ không còn xa:
Bắc Nam sẽ sum họp một nhà
Bác cháu ta gặp mặt trẻ già vui chung
Nhớ thương các cháu vô cùng
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi
Ngày nay, dù Bác đã đi xa, nhưng những vần thơ và bức thư của Người luôn sống mãi với thời gian, thấm đẫm tình yêu thương bao la của một vị lãnh tụ đối với các thế hệ mầm non đất nước. Cứ mỗi dịp Tết Trung thu về, đọc lại những vần thơ và bức thư của Bác, chúng ta càng hiểu thêm tấm lòng nhân ái bao la của Bác dành cho thế hệ tương lai của đất nước.
KHOA VĂN