Đón nắng, gió vào nhà
Nhà - chốn về của mỗi người sau những giờ mệt mỏi, căng thẳng ở ngoài đường hay chốn công sở. Sự thông thoáng, mát mẻ của nhà phố - thường đến từ giải pháp giếng trời- sẽ mang lại phần nào cảm giác thư thái, dễ chịu.
Một không gian thông thoáng
Ai cũng biết điều đó, nhưng trong điều kiện nhà phố, đất chật người đông, việc dành ra một phần diện tích nào đó để làm giếng trời là việc cần tính toán hết sức kỹ lưỡng. Thực tế thì một số gia chủ chấp nhận ở hẹp hơn một chút để đổi lấy sự thông thoáng.
Năm 2014, khi xây ngôi nhà ở khu vực Chợ Đầm, Quy Nhơn, chị Nguyên Nam (ở KV 6 phường Lê Lợi, Quy Nhơn) đã dành hẳn gần 3m trong tổng số 15m chiều dài khu đất làm sân trước và sân sau để lấy ánh sáng, gió tự nhiên cho ngôi nhà. Nhà tôi chỉ để ở không kinh doanh gì cả nên tôi xây nhà lùi vào trong, chừa 2m sân trước tránh sự ồn ào, náo nhiệt. Chừa thêm 8 tấc sân sau để lấy gió, khí trời nhưng bên trên có tấm lợp di động để tránh mưa...”, chị Nam nói.
Ông Hà Cao Phong, kiến trúc sư (KTS) sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề thông gió trong nhà thật ra đã có một cách tự nhiên trong dân gian từ xa xưa. Ngày nay, tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến sự chật hẹp bí bức của không gian sống nên việc này càng được cư dân ở đô thị quan tâm hơn. Quạt gió, máy lạnh chỉ là giải pháp thay thế, lại không kinh tế và làm tăng nhiệt ở các không gian khác.
Theo ông, yếu tố đầu tiên quyết định cho việc thông gió tự nhiên là người thiết kế không gian kiến trúc. Điều này không hẳn do KTS quyết định mà từ ý tưởng của chủ nhà. Kế đến là vị trí, diện tích công trình, như công trình nằm ở vị trí giao thông đông đúc hay không, hay diện tích nhỏ chật hẹp... để đưa ra giải pháp kiến trúc hợp lý. Thứ ba, chủ đầu tư phải biết lợi thế và những mặt hạn chế của lô đất, cộng với mức độ kinh phí đầu tư.
Lấy nắng, gió ra sao?
Về nguyên tắc thông gió phải có vào và ra tức là tạo cho không gian 2 chỗ trống tiếp giáp bên ngoài tạo chênh lệch áp suất. Với lô đất hẹp bề ngang có một mặt tiền từ 3-5m thường bố trí thông gió lớn giữa nhà kết hợp với cầu thang. Nếu đất có chiều dài lớn hơn 15m có thể làm thêm giếng trời nhỏ cuối nhà để thông gió cho các phòng phía sau. Nhà có diện tích nhỏ 30-40m2 vẫn có thể chừa giếng trời song phải kết hợp với cầu thang để tiết kiệm diện tích.
Việc chừa sân trời cũng có nhiều phương án. Có thể chừa sân bên trong nhà hoặc sân ngoài nhà dài suốt chiều dọc hay chừa một phần. Giải pháp chừa sân bên trong nhà sẽ có mức độ thông thoáng tối ưu nhất vì các phòng đều có ít nhất một mặt tiếp giáp với bên ngoài thường thích hợp với lô đất có mặt tiền rộng (từ 6 m trở lên). Xây kiểu này kinh phí xây dựng sẽ đội lên khi tăng thêm một lớp tường nếu là sân bên-trong nhà, và tường rào nếu là sân bên-ngoài nhà.
“Chừa sân trước, sân trong nhà, vừa tạo được không gian xanh riêng biệt và thư giãn cho chủ nhà, vừa có chức năng làm giảm nhiệt độ cho cả công trình. Sân trước vì tiếp giáp với không gian bên ngoài (đường) nên sẽ gián cách, làm giảm được tác động của tiếng ồn và bụi. Nếu không vì mục đích kinh doanh thì theo tôi, đây là một giải pháp tốt nhất. Chừa sân sau cũng tốt nếu nhà có chiều dài phù hợp và phù hợp với số lượng phòng, tầng định xây. Tuy nhiên, tốt nhất là nên tham khảo người có chuyên môn để đưa ra quyết định hợp lý nhất”, KTS Phong khuyên.
Về giải pháp che mưa giếng trời, có thể dùng mái di động hoặc mái kín thông gió ngang (bằng kính hoặc tấm lợp poly). Với sân trong lớn có thể cho thoát nước tự nhiên dưới nền tầng trệt, nhưng cần tạo ô văng tránh mưa tạt ngang ở tầng cao nhất cho phù hợp với nội thất toàn công trình.
Ghé ngôi nhà 58 đường Trần Anh Tông (Quy Nhơn), lần nào tôi cũng quyến luyến cái không gian vô cùng thoáng đãng ở đây. Chủ nhà cho biết, vợ chồng tôi xây từ năm 2013, càng ở vợ chồng chị lại càng thích không gian sống hiện đại thoáng đãng, rất hòa hợp với thiên nhiên của ngôi nhà.
Nhà ở hướng chính Tây, song lúc nào cũng mát rượi; gió và nắng tràn vào các căn phòng từ hai giếng trời dọc hai bên nhà và từ sân trước, sân sau. “Lô đất nhà tôi rộng 6m x15m, đủ rộng để chừa theo ý muốn. Chừa sân bên trong nhà, nên tôi phải dựng thêm một lớp tường kính bảo vệ nữa, tốn hơn nhiều so với kiểu xây thông thường. Nhưng rất đáng giá!”. Khoảng sân trống từ tầng 4 xuống dưới trệt, chồng chị chủ tâm làm giàn phun tự động để trồng lan quanh năm; sân trống phía sau bếp làm sân cát để trồng các loại cây xanh trong nhà.
THU HÀ