Ứng phó với nguy cơ sạt lở núi
Cứ vào mùa mưa lũ, sạt lở núi gây chia cắt giao thông luôn là nỗi ám ảnh đối với bà con sinh sống ở các huyện miền núi tỉnh ta. Phòng tránh sạt lở trên những tuyến đường giao thông trọng yếu, đảm bảo việc đi lại được an toàn là nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện ngay vào lúc này.
Nguy cơ rình rập
Tuy mới trải qua vài cơn mưa đầu mùa, nhưng hai bên vách núi trên tuyến đường từ làng Kon Lót dẫn về làng Chồm, xã vùng cao Canh Liên (Vân Canh) đã xuất hiện nhiều điểm bị rạn nứt. Ở một số đoạn, nhiều tảng đá lớn rơi xuống đường, gây cản trở việc đi lại của người dân. “Vào mùa mưa bão, con đường đất này bị đất đá, cây cối đổ từ núi xuống lấp đầy. Bà con muốn về trung tâm xã Canh Liên chỉ còn cách cuốc bộ băng rừng hàng giờ đồng hồ, thông tin liên lạc hết sức khó khăn”, ông Đinh Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Canh Liên nói.
Bên cạnh đó, tuyến đường đèo dài 25km từ xã Canh Thuận về trung tâm UBND xã Canh Liên cũng nằm trong diện “báo động đỏ” về nguy cơ xảy ra sạt lở núi. Không khó để thấy các vách núi dựng đứng xuất hiện nhiều mỏm đá lớn, nhỏ nằm trồi trụt trên cao, ẩn chứa nhiều nguy cơ sạt lở, đá lăn khi có mưa lớn xảy ra. Qua “mục sở thị” chúng tôi tính được trên con đường này có khoảng 5 - 7 điểm nằm trong tình trạng báo động sạt lở.
Tại huyện An Lão, vào trung tuần tháng 12.2014 tuyến đường từ thôn 1 dẫn về thôn 3, xã An Nghĩa giao thông tê liệt sau trận lở núi. Thời điểm đó, 35 hộ dân với 115 nhân khẩu ở thôn 3 xã này rơi vào cảnh cô lập. Để về trung tâm huyện, người dân địa phương chỉ có thể lội bộ qua những đống đất đá. Mùa mưa lũ năm nay, tuyến đường này cũng nằm trong diện được các cơ quan hữu quan huyện An Lão “chăm sóc đặc biệt”. Bên cạnh đó, theo thống kê của huyện An Lão, toàn huyện có gần 20 điểm dễ sạt lở mỗi khi xuất hiện mưa lớn. Nguy hiểm nhất vẫn là tuyến đường độc đạo từ xã An Hòa đi An Toàn, An Nghĩa; tuyến đường từ UBND huyện An Lão đi xã An Vinh và tuyến đường từ xã An Hòa về thôn 3, xã An Hưng.
Tương tự, tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, hằng năm, tuyến giao thông ven hồ Định Bình dẫn về 2 xã vùng cao Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn cũng thường xuyên chịu cảnh đất đá vùi lấp sau những trận lở núi. Đoạn đường dài gần 40km có đến 21 điểm nằm trong diện bị sạt lở khi gặp mưa. Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, tuyến đường rừng từ UBND xã Vĩnh Kim lên thôn O2 cũng luôn hứng chịu những trận lở núi bịt kín, cô lập 40 hộ dân với bên ngoài.
Tập trung ứng phó
Trước mùa mưa lũ năm nay, vấn đề phòng tránh được chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm. Đến nay, việc xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được chính quyền chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo.
Ông Nguyễn Trực, Chánh văn phòng UBND huyện An Lão, cho hay: “Hầu hết hạ tầng kỹ thuật tại địa phương chịu sự tác động, chi phối lớn bởi yếu tố tự nhiên. Đầu tư cho khâu ứng phó là cấp thiết, nhưng do kinh phí hạn hẹp, mỗi năm chỉ có thể trích 1 - 3 tỉ đồng duy tu, bảo dưỡng và ứng phó sự cố giao thông trên các tuyến đường liên huyện, liên xã. Bên cạnh đó, huyện đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp đang thi công, họ sẽ chuẩn bị sẵn máy móc, phương tiện ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Rút kinh nghiệm từ các đợt mưa lũ trước, năm nay, huyện Vĩnh Thạnh đã tiến hành rà soát, kiểm tra các điểm sạt lở, để có dự báo chính xác và kịp thời khi có sự cố xảy ra. Theo ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, việc sửa chữa, nâng cấp theo hướng kiên cố hóa, chấm dứt nạn sạt lở cho cung đường này mất khoảng 30 tỉ đồng, vượt quá khả năng của huyện. “Trước mắt, huyện đã thành lập các tổ, đội xung kích phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng ứng phó, bố trí phương tiện và nhân lực túc trực để xử lý sự cố. Đồng thời, dự trữ sẵn sàng lương thực, thực phẩm thiết yếu nhằm không để người dân đói, rét khi xảy ra sự cố”, ông Đẩu chia sẻ.
Ông Trần Hữu Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, thông tin thêm: “Với phương châm “4 tại chỗ”, năm nay ngoài việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và xây lắp hệ thống rãnh thoát nước dọc, gia cố các mái taluy, xử lý các cầu, cống, ngầm tràn; địa phương cũng chủ động bố trí lực lượng và phương tiện, vật tư thường trực trên tất cả những đoạn xung yếu thường xuyên bị sạt lở để kịp thời xử lý. Đồng thời, tiến hành cắm bổ sung cọc tiêu, biển báo ở những vị trí xung yếu, nguy hiểm để cảnh báo người tham gia giao thông, nhất là tuyến đường từ xã Canh Thuận về xã Canh Liên”.
Có thể thấy, chính quyền địa phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng phương án để ứng phó với nguy cơ sạt lở núi trên các tuyến đường giao thông trọng yếu trong mùa mưa lũ sắp tới là điều đáng ghi nhận, biểu dương. Tuy nhiên, để công tác phòng chống thiên tai mang lại hiệu quả cao, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất, người dân cần cảnh giác, chủ động dự trữ lương thực, thuốc men… phòng trường hợp sạt lở núi gây chia cắt, cô lập. Khi có sự cố xảy ra, người dân cũng nên xắn tay, góp sức cùng chính quyền địa phương khắc phục, khai thông các tuyến đường, sớm ổn định tình hình sản xuất và sinh hoạt sau mỗi đợt thiên tai.
TRỌNG LỢI