Vui hội trăng rằm!
Hôm nay là ngày rằm Trung thu - một ngày đặc biệt với mọi trẻ em - Tết của thiếu nhi. Nói tới Trung thu là nói đến Hội đêm rằm với những màn múa lân rộn ràng tiếng trống, những chiếc bánh trung thu mang hương vị đặc trưng, nói đến những chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu và sau hết, vẫn là niềm vui rạng ngời trên gương mặt trẻ thơ dưới ánh trăng rằm lung linh huyền diệu. Bao giờ cũng vậy, niềm vui của trẻ thơ chính là niềm hạnh phúc vô bờ bến của những người lớn.
Chính vì vậy, đã trở thành thông lệ từ nhiều năm, cứ đến dịp Trung thu là các hoạt động đón Trung thu, tổ chức các hoạt động cho trẻ đón Tết Trung thu được tổ chức với nhiều hình thức để mang lại niềm vui cho trẻ thơ. Bên cạnh sự chăm lo của mỗi gia đình cho con em mình, trong dịp này các cấp chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp… cũng rất tích cực tham gia các hoạt động tặng quà, tổ chức vui trung thu cho mọi trẻ em. Có thể nói vui Tết Trung thu đã là một mỹ tục mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa tốt đẹp nói trên, trên thực tế Trung thu bây giờ còn có những “hạt sạn” khiến cho cái “Tết của trẻ em” ít nhiều mất đi ý nghĩa đích thực của nó. Trung thu bây giờ còn là dịp để người lớn bày tỏ “tình cảm” bằng hình thức biếu quà trung thu. Biếu bánh trung thu là chuyện bình thường nếu chỉ là… bánh trung thu. Tuy nhiên, trên thực tế trong nhiều trường hợp cho thấy bánh trung thu đã trở thành một sản phẩm mang thông điệp hoặc sứ mệnh “đặc biệt”, khác xa so với giá trị nguyên bản của nó. Sự “biến dị” của những chiếc bánh Trung thu thể hiện rõ nhất ở những hộp bánh có giá hàng triệu đồng, của những hộp quà không chỉ có bánh trung thu mà còn kèm theo đó chai rượu ngoại đắt tiền, hộp trà hảo hạng, thậm chí là cả… hiện kim đi kèm. Xem ra, với những phần quà biếu như thế, mùa Trung thu cũng là… ”mùa biếu xén” của một số người này và “mùa thu hoạch” của một số người khác. Dư luận xã hội đã đúc kết được một hiện tương…“lạ” liên quan đến thị trường bánh trung thu, đó là “người mua thì không ăn, người ăn thì không phải mua” (!).
Vẫn biết, đời sống xã hội luôn vận động và phát triển sẽ kéo theo những thay đổi các thói quen, cách hành xử, các quan niệm… của mỗi người và cộng đồng, và Trung thu cũng không là ngoại lệ. Song trong mọi trường hợp thì việc giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp cốt lõi phải là ưu tiên hàng đầu, mọi sự “biến tấu” phải phù hợp và không quá khác biệt với giá trị nguyên bản vốn có.
Và dẫu có sự thay đổi thế nào thì mùa Trung thu với cổ tích về chị Hằng, chú Cuội, với những toán trẻ con nối đuôi nhau đi rước đèn, múa lân đánh trống, hát vang những bài đồng dao, cùng nhau “phá cỗ trông trăng” với hoa trái mùa thu… vẫn sẽ là nét đẹp truyền thống, mang lại niềm vui và sự thích thú vô bờ bến cho mọi trẻ em dù là ở thành phố hay nông thôn.
Trung thu - Tết của trẻ em! Rất mong người lớn hãy làm tất cả những gì tốt đẹp nhất để giữ mãi vẻ đẹp trong trẻo của ánh trăng rằm Trung thu, để Tết Trung thu mãi là bầu trời cổ tích lung linh, huyền diệu và thánh thiện của mọi trẻ em trên thế giới này!
Hải đăng