Xanh một miền rừng
La Vuông - một thôn của xã miền núi Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) trước đây là vùng đất “khỉ ho cò gáy”; đây cũng là vùng di dân kinh tế mới với hơn 40 hộ dân đến sinh sống lập nghiệp từ các vùng quê trong tỉnh. Bây giờ, sự nghèo khó ở La Vuông đã được đẩy lùi nhờ những dải rừng trồng xanh ngút ngát. Những triệu phú, tỉ phú trồng rừng xuất hiện ngày càng nhiều trên vùng đất một thời gian khổ này.
Cái thôn nhỏ nằm phía Tây xã Hoài Sơn chỉ vài chục hộ dân đã từng nếm trải bao nỗi cực nhọc vì cái nghèo đeo bám. Qua nhiều dự án, mạo hiểm có, táo bạo có, và đặc biệt là tinh thần chịu khó, chịu khổ của người dân địa phương đã dần biến La Vuông cằn cỗi trở thành vùng đất xanh ngát những cánh rừng. Hôm nay, vùng đất nằm ở độ cao 700m so với mực nước biển ấy, đã thật sự chuyển mình.
Hồi sinh một vùng đất
Là người gắn bó từ ngày đầu thành lập thôn đến nay, ông Huỳnh Phấn, Trưởng thôn, vẫn còn vẹn nguyên ký ức trong thời khắc cái tên La Vuông được khai sinh: Năm 1990, tỉnh thành lập khu kinh tế mới. Lúc mới hình thành, khu kinh tế này có đến 300 hộ đăng ký, nên được xây một trạm xá, 2 trường học. Lúc đầu, lãnh đạo tỉnh thời bấy giờ định mở thêm một xã mới ở đây và lấy tên là xã Hoài Trung. Song đa phần các hộ mới đến đây lập nghiệp không chịu đựng được gian khổ, thiếu thốn, giao thông cách trở, đồi núi heo hút. Gắng gượng được 5 - 6 năm, hầu hết bà con lại đùm túm kéo nhau về xuôi. Đến cuối năm 1996, mảnh đất La Vuông chính thức được bàn giao lại cho xã Hoài Sơn.
Trong quãng thời gian trước năm 2000, đất rừng ở La Vuông chủ yếu là những dãy đồi trọc lam nham cây cỏ dại, chuyện làm giàu từ rừng chưa được người dân nghĩ tới. Đến khi kinh tế rừng bắt đầu phát triển ở một số địa phương; chuyện trồng rừng nguyên liệu giấy đem lại thu nhập khá đã thức tỉnh người dân nơi đây. Bà con đã nhận ra thế mạnh của vùng đất này và đã đầu tư khai hoang, cải tạo đất để trồng rừng. Chỉ mấy năm, hàng trăm hecta đất trống, đồi núi trọc đã dần được phủ xanh bằng những cánh rừng nguyên liệu giấy. Từ năm 2005 đến nay, trung bình hàng năm, diện tích đất có rừng tại địa phương tăng thêm đều đặn từ 10 - 20 ha. Đến nay, La Vuông đã có gần 200 ha rừng trồng kinh tế .
Vào một ngày cuối tháng 9.2015, chúng tôi “chạm mặt” đỉnh La Vuông khi mặt trời đứng bóng. Từ chân đập của hồ chứa nước Cẩn Hậu, chiếc xe máy đưa chúng tôi băng qua những cung đường đồi dốc gập ghềnh thẳng tiến về đỉnh La Vuông, qua những khu rừng trồng gồm các loại cây keo, bạch đàn, những rẫy mì xen canh theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, cùng những khu rừng sản xuất, rừng phòng hộ thuộc dự án KfW6, JICA2 được ngành Nông nghiệp giao cho người dân quản lý, khoanh nuôi, phục hồi, đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Với diện tích rừng trồng hiện có, chúng tôi nhẩm tính bình quân mỗi hộ ở đây sở hữu ít nhất 5 - 6 ha rừng; chưa kể hàng chục héc ta rừng thuộc các dự án đã giao cho dân địa phương quản lý, bảo vệ. “Trước đây, có mơ tôi cũng không dám nghĩ nhờ rừng mà đời sống người dân La Vuông thay đổi nhanh như vậy. Hiện nay, 100% hộ dân (47 hộ) ở thôn La Vuông gắn bó với kinh tế rừng, dựa vào rừng để thoát nghèo bền vững, và vươn lên làm giàu” - ông Nguyễn Đình Bản, Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn, hồ hởi cho biết.
Làm giàu từ kinh tế rừng
Nhờ trồng rừng mà nhiều gia đình ở La Vuông đã thoát nghèo, thậm chí có hộ đã ở mức khá giả. Điển hình như hộ các ông Trần Gọn, Trần Sĩ, Lê Văn Be, Nguyễn Thành Ửng…, mỗi hộ sở hữu 6 - 15 ha rừng nguyên liệu; thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Nói đến chuyện làm ăn ở vùng đất này, ai cũng khẳng định chỉ có trồng rừng mới làm giàu nhanh và bền vững nhất.
Chia sẻ về hiệu quả trồng rừng kinh tế, ông Trần Sĩ, ở xóm 3, ở thôn La Vuông, thổ lộ: “Tôi bắt đầu trồng rừng kinh tế vào năm 2001 trên diện tích 4 ha; đến nay tôi có 10 ha rừng nguyên liệu giấy. Với 2 ha rừng khai thác hằng năm theo chu kỳ trong tổng diện tích 10 ha, mỗi năm gia đình tôi thu về trên dưới 100 triệu đồng”.
Nhắc đến La Vuông, không thể không nói đến ông Lê Văn Thiệt, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo. Ông Thiệt được bà con địa phương gán cho cái tên “Vua rừng”, hoặc “Người hùng trên đất La Vuông”... Bởi ở La Vuông ông Thiệt đang sở hữu một khối tài sản lớn với 200 ha rừng, rừng trồng có, rừng khoanh nuôi tái sinh phòng hộ đầu nguồn có. Hàng năm, lợi nhuận từ rừng mang lại cho ông cả tỉ đồng.
Trước đây ông Thiệt đã mất gần 4 năm cho dự án trồng dứa nhằm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của tỉnh. Thế nhưng khi những khu đồi La Vuông ngập ngụa hàng tấn dứa úng thối do không tiêu thụ được, ông biết ước mơ của mình đã mất. Không đầu hàng trước thất bại, ông đã đẩy mạnh trồng rừng để gây dựng lại cơ nghiệp trên chính mảnh đất này.
Ông Thiệt thổ lộ, bên cạnh trồng rừng kinh tế, năm 2012 ông đã hùn vốn với một số anh em xây dựng nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu Tường Sơn đóng trên địa bàn xã Hoài Sơn, công suất chế biến dăm 100 ngàn tấn/năm, đảm bảo giải quyết đầu ra, tạo thuận lợi cho người trồng rừng phát triển sản xuất.
Gắn trồng rừng với quản lý, bảo vệ rừng
Ông Trần Văn Liên, Trưởng Trạm Kiểm lâm Hoài Phú (Hoài Nhơn), cho biết: “Trên đỉnh La Vuông hiện có khoảng 280 ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp liền kề với diện tích đất do ông Thiệt quản lý. Đây là vùng núi cao hẻo lánh, giáp ranh với nhiều địa phương khác trong tỉnh và cả với tỉnh Quảng Ngãi nên việc quản lý, bảo vệ rừng rất khó khăn. Nhiều năm qua, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Nhơn và chính quyền địa phương, sự có mặt của Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo cũng đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ tốt những cánh rừng nơi đây. Tính chung cả xã Hoài Sơn, tỉ lệ che phủ rừng đạt gần 60%”.
Ông Thiệt đã chọn một vùng đất đẹp trên đỉnh La Vuông với diện tích rộng 30 ha để trồng cây cảnh, trồng rau, trồng hoa, xây dựng hồ cá... để thực hiện ước mơ biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái nông-lâm nghiệp. “Hiện nay, mọi nguồn thu từ hoạt động xây dựng, khách sạn, những cánh rừng nguyên liệu giấy và từ nhà máy chế biến dăm xuất khẩu đều được dồn lại, đầu tư cho mục tiêu biến La Vuông thành khu du lịch sinh thái nông-lâm nghiệp”, ông Lê Văn Thiệt chia sẻ.
Rời La Vuông khi mặt trời sắp lặn sau đỉnh núi, những cánh rừng đã chuyển sang màu xanh thẳm, chúng tôi tin rằng với sự hỗ trợ đắc lực từ chính quyền địa phương, việc đầu tư đúng mức, cộng thêm lòng nhiệt huyết, đam mê của người hùng Lê Văn Thiệt, rồi đây vùng đất La Vuông sẽ trở thành vùng kinh tế nông - lâm kết hợp trong một ngày không xa, mở ra hướng phát triển mới cho xã Hoài Sơn.
NGUYỄN HÂN - TRỌNG LỢI