TỪ ÐẠI HỘI ÐẾN ÐẠI HỘI
Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình lần thứ IV (1986- 1991)
(Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XIII)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình lần thứ IV họp từ ngày 10-14.10.1986 tại Quy Nhơn, với sự có mặt của 515 đại biểu ở 22 đảng bộ huyện, thị xã và 4 đảng bộ trực thuộc tỉnh, thay mặt cho gần 40.000 đảng viên toàn Đảng bộ.
Đại hội đánh giá những thành tựu là: Nông nghiệp phát triển theo hướng toàn diện, đã tự giải quyết được nhu cầu lương thực và làm nghĩa vụ cho Nhà nước ngày càng tăng. Đã căn bản hoàn thành giao đất giao rừng cho các HTX và tập đoàn sản xuất quản lý, kinh doanh. Phong trào trồng cây gây rừng phát triển mạnh mẽ. Phong trào nuôi tôm xuất khẩu phát triển khá. Phong trào “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã xây dựng nhiều công trình thủy lợi, giao thông nông thôn và văn hóa.
Thương nghiệp XHCN đã nắm phần lớn hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nông sản xuất khẩu và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Công cuộc cải tạo XHCN thu được kết quả bước đầu, rõ nhất là trong nông nghiệp. Đã xóa xong nạn mù chữ, sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Quốc phòng và an ninh ngày càng củng cố và tăng cường; an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bên cạnh những thành tích cơ bản, vẫn còn một số tồn tại là: Sản xuất phát triển còn chậm, chưa vững chắc, chưa tạo điều kiện để khai thác tốt những năng lực hiện có. Cơ cấu sản xuất chưa hợp lý, đầu tư phân tán, hiệu quả thấp. Năng suất lao động thấp, năng suất cây trồng, vật nuôi chưa cao; chất lượng sản phẩm giảm sút; hàng tiêu dùng sản xuất bằng nguyên liệu địa phương ít về số lượng và nghèo về chủng loại. Xuất khẩu đạt kết quả thấp so với yêu cầu và tiềm năng. Phân phối lưu thông có nhiều rối ren ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân lao động, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang.
Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ chung là ổn định tình hình KT-XH, thực hiện 5 mục tiêu và 3 chương trình kinh tế lớn về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Hình thành từng bước cơ cấu công - nông nghiệp trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên CNXH. Đổi mới cơ chế quản lý nhằm tạo ra động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế và người lao động hăng hái phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thiết lập và hình thành đồng bộ cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh XHCN.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 65 đồng chí (50 ủy viên chính thức, 15 ủy viên dự khuyết). Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 14 đồng chí. Đồng chí Đỗ Quang Thắng được bầu làm Bí thư.
Thời kỳ tách tỉnh
Tỉnh Nghĩa Bình được Bộ Chính trị chọn làm thí điểm việc chia, tách tỉnh trong năm 1989. Ngày 4.3.1989, Bộ Chính trị ra quyết định chia tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, hiệu lực thi hành từ tháng 7.1989. Bộ Chính trị điều đồng chí Nguyễn Trung Tín, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, về làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Định; chỉ định đồng chí Trần Văn Nhẫn làm Chủ tịch UBND tỉnh.
Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định gồm có 38 đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 9 đồng chí.