Doanh nghiệp bỏ hoang đất đã được Nhà nước giao ở huyện Vân Canh: Sẽ giao đất cho bà con sản xuất
Trong khi các doanh nghiệp, công ty lâm nghiệp thừa hàng ngàn hecta đất không sử dụng thì người dân thiếu đất phải lấn chiếm đất lâm nghiệp, chặt phá rừng làm nương rẫy. Ðể giải bài toán bất hợp lý này một số đơn vị quản lý và sản xuất lâm nghiệp đã đồng ý giao một phần diện tích đất rừng cho chính quyền địa phương và người dân quản lý sử dụng.
Dân thiếu đất phá rừng?
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh, từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 40 ha rừng tự nhiên bị phá trái phép; tập trung ở xã vùng cao Canh Liên 29,6 ha; Canh Hiệp 5,8 ha, Canh Thuận 4,3 ha. Đó là chưa kể 30 hộ dân ở xã Canh Liên đã chặt phá gần 38 ha rừng tự nhiên khác của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh để làm nương rẫy. Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có 112 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; hầu hết, những diện tích kể trên do Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh quản lý.
“Trong khi một số công ty lâm nghiệp được Nhà nước giao đất lại bỏ hoang thì đến phân nửa số hộ trong xã hiện rơi vào cảnh thiếu đất”
Ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết, sở dĩ tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép là do người dân gặp nhiều khó khăn về đất sản xuất, nhất là việc sản xuất không ổn định của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm của chính quyền cấp xã và lực lượng Kiểm lâm đối với việc lấn chiếm đất lâm nghiệp còn thiếu kiên quyết, chưa đủ mạnh để ngăn chặn. Một số chủ rừng chưa bám sát cơ sở để phát hiện và ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
Về cấp độ địa phương, ông Đinh Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Canh Liên, chỉ rõ: “Trong khi một số công ty lâm nghiệp được Nhà nước giao đất lại bỏ hoang thì đến phân nửa số hộ trong xã hiện rơi vào cảnh thiếu đất. Xã chúng tôi có có hơn 550 hộ, có nhiều hộ đã tham gia phá rừng, lấn chiếm đất. Xin nói ngay, nguyên nhân chính dẫn đến việc này là do bà con không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, trong khi nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng cây lấy gỗ của người dân hiện nay rất lớn, lợi nhuận kinh tế cao”.
Một hộ dân ở làng Chồm, xã Canh Liên, bày tỏ: “Nhà tôi có tất cả 6 nhân khẩu, điều kiện kinh tế quá khó khăn nên mình chẳng biết làm gì ngoài việc lên rừng phát rẫy để trồng mì, có cái ăn cho cả nhà. Chừ mình không có đất sản xuất nên cứ lên núi thấy chỗ nào không có người trông coi thì phát thôi... Nếu bà con ở đây không làm vậy thì lấy gì mà ăn”.
Tìm hướng giải quyết
Trong khi nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Vân Canh nói chung và xã vùng cao Canh Liên nói riêng thiếu đất canh tác thì một số doanh nghiệp, công ty lâm nghiệp lại dư thừa hàng ngàn hecta đất không sử dụng. Trong số đó phải kể đến các đơn vị như: Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh có tới trên 3.000ha đất chưa sử dụng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh có gần 2.770ha đất chưa có rừng... Để giải quyết nghịch lý này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan triển khai việc rà soát, lập thủ tục thu hồi đất chưa sử dụng để giao lại cho địa phương quản lý.
“Ðối với các diện tích đất đã được Nhà nước giao cho các công ty lâm nghiệp quản lý, sử dụng, nhưng chưa sử dụng, UBND tỉnh nên thu hồi; sau đó, có phương án, kế hoạch giao đất lại cho địa phương quản lý; đồng thời, rà soát các hộ chưa có đất để canh tác thì tạo điều kiện giao lại cho người dân để có hướng sử dụng phù hợp. Nếu làm được việc này, tôi tin tưởng nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở địa phương sẽ giảm rõ”.
Ông ÐINH VĂN DIỄN, Chủ tịch UBND xã Canh Liên
Thực hiện chủ trương này, đến nay, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh đã rà soát xong diện tích đất trống chưa có rừng, trạng thái 1a, 1b, nương rẫy.
Đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh đã đồng ý giao lại cho địa phương 232,4 ha; bao gồm 84,6 ha đất chưa có rừng và 147,8 ha đất nương rẫy do nhân dân đang sử dụng để trồng keo. Đáng chú ý, diện tích đất này đã được Sở NN&PTNT đưa ra ngoài quy hoạch rừng phòng hộ, chuyển thành đất rừng sản xuất và đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Đối với Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, đến thời điểm hiện tại, đơn vị cũng đồng ý chủ trương giao lại 1.600 ha đất cho huyện Vân Canh quản lý. “Hiện nay, chúng tôi đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để bàn giao diện tích đất kể trên cho huyện Vân Canh quản lý. Theo kế hoạch, việc bàn giao được hoàn thành trong năm 2015”, ông Hà Thúc Đệ - Trưởng phòng Kế hoạch của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh - nói.
Còn theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Vân Canh, thì: sau khi có quyết định thu hồi và giao đất của UBND tỉnh, địa phương và các đơn vị tiến hành bàn giao đất rừng ngoài thực địa. Đồng thời, đưa diện tích đất thu hồi trên vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016, trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở để lập hồ sơ giao đất cho bà con sản xuất. Từ đó, góp phần giảm nhanh nạn “chảy máu” rừng như hiện nay.
TRỌNG LỢI