Bước vào mùa mưa bão
Vậy là đã qua Rằm tháng Tám - Trung thu. Tiếng trống múa lân đã dần tan trong màu nắng hanh hao của những ngày cuối tháng Tám “… rám trái bưởi”. Với riêng tôi thì nắng tháng Tám gay gắt lắm dù trời đất sắp chuyển sang mùa mưa. Thời tiết Duyên hải Nam Trung bộ là vậy, sang tháng 9 (âm lịch) là chính thức bước vào mùa mưa bão.
Những thửa ruộng cuối cùng của vụ mùa đã gặt xong, cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ chuẩn bị cho một mùa mưa lũ. Buổi sáng trời còn nắng gắt, buổi chiều đã mưa giăng mù mịt. Thương dải đất miền Trung những ngày mưa không báo trước, những trận lũ thượng nguồn các dòng sông đổ về đồng bằng chỉ sau một đêm mưa dầm. Nhà nông là người chịu khổ nạn trước hết khi mưa lũ tràn về; hoa màu nhiều khi không thu hoạch kịp chạy lũ.
Nhớ mùa lũ lụt năm 2013, do chủ quan đồng bằng mưa ít, nên khi nước lũ ào ạt tràn về các dòng sông gây ra thảm họa. Các vùng hạ lưu ven sông Côn thuộc Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước… bị nước lũ dâng cao bao vây chưa từng thấy: nhà ngập, người chết, heo bò trôi, đường sá sạt lở nghiêm trọng… Người xưa nói “thủy hỏa đạo tặc” là những tai nạn nên luôn đề phòng, trong đó, “thủy” là hàng đầu. Bão lụt thường song hành với nhau. Bão to lụt lớn là nỗi đe dọa hàng năm với cư dân dải đồng bằng miền Trung. Đây là vùng đất khó, cùng lúc gánh cả hai tai ách “bão, lụt” nên đời sống người dân luôn có phương án phòng tránh lụt bão.
Mùa mưa bão đang đến… lành dữ chưa biết, nhưng làm sao giảm thấp nhất mức thiệt hại về người và tài sản là mục tiêu quan trọng đặt ra trong công tác phòng chống bão lụt. Để làm được điều này các ngành, các cấp và toàn dân cùng chung sức. Đặc biệt, tránh chủ quan, bị động khi ứng phó lúc bão lụt xảy ra là bài học kinh nghiệm cần nghiên cứu kỹ và hành động kịp thời.
TRÚC THANH