Công tác phòng, chống thiên tai ở Hoài Nhơn: Ưu tiên đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm
Là huyện ở thế “đầu đội núi, chân đạp biển” nên mùa mưa bão Hoài Nhơn thường hứng chịu những trận lũ quét, các đợt triều cường đột ngột và cả lũ ống, gây thiệt hại nặng về tài sản và uy hiếp tính mạng của nhân dân. Thực trạng ấy đòi hỏi chính quyền phải có những giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân.
Nguy cơ rình rập
Nhiều năm nay, 390 hộ gia đình với hơn 700 nhân khẩu ở thôn Kim Giao Bắc, xã Hoài Hải, thường xuyên phải sống trong cảnh phập phồng lo sợ mỗi khi mùa mưa bão đến, vì một bên là cửa sông An Dũ thường xuyên bị xâm thực vào mùa mưa lũ, bên kia là sự đe dọa của biển cả. Ông Phan Đậm, ở thôn Kim Giao Bắc, cho biết: “Tôi sống ở đây đã 30 năm nay, nhưng chưa bao giờ chứng kiến nạn sạt lở bờ sông và sóng biển xâm thực với mức độ kinh khủng như vài ba năm gần đây. Khu vườn nhà tôi rộng hơn 400m2, nhưng chỉ 3 năm trở lại đây, “thủy thần” đã lấy đi gần 200m2 đất”.
Những lớp nhà ven biển sát cửa sông An Dũ, thôn Kim Giao Bắc, xã Hoài Hải (Hoài Nhơn) bị sóng phá hủy.
Tại xã Hoài Sơn, vào mùa mưa bão hàng năm, 150 hộ dân ở dọc suối Quán Dưa (thôn Hy Văn) thường xuyên phải sống trong cảnh ngập lụt. Thậm chí, mỗi lúc có mưa lớn xảy ra, nước từ thượng nguồn đổ về chảy xiết cuốn trôi nhiều hecta đất vườn; gây ra hiện tượng sạt lở, xâm thực vào khu dân cư, đe dọa tính mạng và tài sản người dân.
Theo ông Nguyễn Đình Bản, Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn, tình hình ngập lụt, sạt lở ở khu vực suối Quán Dưa đang diễn ra ở mức báo động. Trong 3 năm trở lại đây, hiện tượng đất lở, lũ quét, cả lũ ống xuất hiện vào mùa mưa bão không còn là chuyện hiếm. “Qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri, bà con đã phản ánh lên chính quyền về nguyện vọng xây dựng tuyến kè chống sạt lở dọc suối Quán Dưa; nhưng kinh phí để xây dựng quá lớn, xã không kham nổi. Vì thế, địa phương đã làm tờ trình, kiến nghị lên huyện, tỉnh xin kinh phí xây dựng tuyến kè; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Bản nói.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoài Nhơn có khoảng 10 điểm thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của gần 500 hộ gia đình ở hạ lưu sông Lại, cửa sông An Dũ thuộc các xã Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Thanh, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc… Để tự cứu mình, không ít hộ dân phải tự đầu tư hàng chục triệu đồng làm kè chống sạt lở, nhưng chỉ sau 1 - 2 năm cũng bị nước lũ cuốn trôi.
Chủ động ứng phó
Theo UBND huyện Hoài Nhơn, năm 2015 cả huyện có 8.850 hộ với 35.776 nhân khẩu ở các xã: Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Thanh, Hoài Hương, Hoài Đức, Hoài Hải, Hoài Xuân, Hoài Sơn… nằm trong vùng nguy hiểm. Huyện đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án và có kế hoạch cụ thể, sẵn sàng huy động lực lượng dân quân, thanh niên xung kích giúp dân sơ tán, tổ chức nơi tránh trú bão an toàn, cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho nhân dân vùng lũ; đảm bảo vệ sinh môi trường và bảo vệ tốt an ninh trật tự ở những vùng nhân dân đi chạy lũ.
Ông Nguyễn Chí Công- Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, nói: “Để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai năm 2015, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Riêng đối với những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhưng việc đầu tư các tuyến đê kè chống sạt lở chưa được thực hiện đồng bộ, ưu tiên hàng đầu của huyện là tập trung di chuyển dân vùng thường bị ngập lũ, triều cường uy hiếp đến nơi an toàn trước khi bão đến”.
Trước đó, nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho 1.000 hộ dân sống trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai dọc sông Lại và cửa sông An Dũ, trong năm 2015, huyện Hoài Nhơn đã đầu tư xây dựng 4 tuyến kè đê sông, đê biển chắn sóng; bao gồm: kè chắn sóng chống xói lở thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc (giai đoạn 2) với chiều dài 800m; kè chống xói lở thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương (giai đoạn 2) dài 393m; kè chống xói lở bờ biển Tam Quan - Hoài Hương dài 2.380m và đê sông thôn Phú An, xã Hoài Hương dài hơn 150m. Tổng kinh phí đầu tư cho 4 tuyến kè khoảng 80 tỉ đồng. Hiện nay, các nhà thầu đang huy động nhân lực, tập trung phương tiện nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành công trình, đảm bảo vượt lũ an toàn.
TRỌNG LỢI