Nhiều trẻ bị sốt xuất huyết nặng
Sốt xuất huyết chưa vào đỉnh dịch, nhưng số ca bệnh nặng ở trẻ em đã có chiều hướng tăng mạnh. Nhiều trẻ xuất hiện các biến chứng nặng như suy tim, suy gan, đe dọa tính mạng.
Theo nhiều bác sĩ kinh nghiệm trong lĩnh vực Truyền nhiễm và Nhi, sốt xuất huyết đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ, bởi sức đề kháng yếu rất khó chống chọi với các biến chứng phức tạp.
Biến chứng nặng nề
12 giờ ngày 15.9, khoa Nhi (BVĐK tỉnh) tiếp nhận bệnh nhân Võ Đông Quyên (9 tháng tuổi, ở khu vực 1, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) trong tình trạng tỉnh, sốt nhẹ (380C), tay chân vã mồ hôi, có nôn và tiêu chảy, mạch và huyết áp bình thường, gan lớn. Tuy nhiên, khi siêu âm lại phát hiện có dịch trong ổ bụng và màng phổi. Kết quả xét nghiệm cho thấy có tình trạng suy gan, chỉ số SGOT là 1.028U/l, SGPT là 860U/l (chỉ số bình thường đều ở mức <40U/l). Bên cạnh đó, tiểu cầu giảm chỉ còn 17.000 (ngưỡng bình thường là 150.000 - 500.000), xuất hiện tình trạng cô đặc máu.
Bé Võ Đông Quyên vẫn tiếp tục được theo dõi tại khoa Nhi.
6 tiếng sau khi vào viện, bệnh diễn tiến nặng. Bệnh nhân sốc, da môi tái, tay chân lạnh, mạch quay nhanh nhẹ, trên da có nhiều chấm xuất huyết. Lúc này, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue nặng, có sốc và suy gan. Các bác sĩ điều trị chống sốc bằng cách cho bệnh nhân thở oxy, truyền dịch; nâng mạch bằng nước muối 9‰; chống suy gan bằng vitamin K1. Đồng thời, truyền huyết tương đông lạnh để chống rối loạn đông máu. Dù điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, nhưng vẫn xuất hiện tình trạng nặng dần.
Đến 14 giờ ngày 16.9, bé Quyên bắt đầu suy hô hấp nặng, các bác sĩ phải tiến hành đặt nội khí quản thở máy. Lúc này, tiểu cầu đã giảm mạnh, chỉ còn 5.000, phải truyền tiểu cầu đậm đặc và hồng cầu khối. Men tim tiếp tục tăng, thêm vào đó là tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Dù được thở máy nhưng vẫn có hội chứng suy hô hấp nặng (chỉ số PaO2 /FiO2<50), đồng thời tràn dịch màng bụng rất nhiều; phải dẫn lưu màng bụng, dùng thuốc vận mạch phối hợp (Dopamin, Dobutamin, Adrenalin). Song, bệnh nhân vẫn tiếp tục toan hô hấp nặng, phải sử dụng kiểu thở huy động phế nang. Bắt đầu từ đây bệnh mới có chiều hướng cải thiện dần, đến ngày 25.9 thì bé Quyên được cai máy thở. Chiều 29.9, bé tỉnh, nhưng vẫn phải thở oxy nội khí quản, nuôi dưỡng qua sonde (ống thông) dạ dày. Tuy đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi, điều trị viêm phổi bội nhiễm.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, đây là một ca bệnh hiếm gặp. Bệnh nhân có triệu chứng không điển hình của sốt xuất huyết, đi vào sốc sớm (đầu ngày thứ 4, bình thường là ngày thứ 5), có nhiều biểu hiện nặng (sốc, suy gan, suy hô hấp nặng). Đặc biệt, bệnh xảy ra ở đối tượng nhũ nhi (mới 9 tháng tuổi), đề kháng yếu gây khó khăn trong điều trị.
Phụ huynh cần cảnh giác
Khoa Nhi, BVĐK tỉnh là đầu mối tiếp nhận các ca sốt xuất huyết nặng ở trẻ em. Thời điểm này, tại khoa vẫn còn 5 bệnh nhân nặng, có những biến chứng phức tạp. Như bé Huỳnh Tô Trúc Vy (9 tuổi, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn), bị suy gan nặng, chỉ số SGOT là 2.217U/l, SGPT là 563U/l. Với bé Võ Thị Mỹ Uyên (13 tuổi, ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát), tiểu cầu chỉ còn 21.000. Riêng bé Nguyễn Thanh Đạt (8 tháng tuổi, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) vừa tụt tiểu cầu (còn 45.000), vừa suy gan nhẹ (SGOT 554U/l, SGPT 241U/l), men tim cũng tăng.
Có một thực tế đáng chú ý là nhiều trẻ bị sốt xuất huyết nhưng không được chẩn đoán đúng ngay từ đầu. Như bé Trần Ái Vi (9 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), được chuyển từ BVĐK khu vực Phú Phong đến BVĐK tỉnh vào ngày 18.9, lượng tiểu cầu chỉ còn 4.000. Trước đó, khi con gái phát sốt kéo dài, anh Trần Đăng Bình đưa đi khám tư thì được chẩn đoán là viêm amidan. “Cháu nói đau bụng, bác sĩ cho thuốc xổ lãi, xổ mãi chẳng thấy lãi đâu, mà bệnh ngày càng nặng”, anh Bình cho hay. Ngay cả với ca bệnh “thập tử nhất sinh” của bé Võ Đông Quyên nói trên, chẩn đoán ban đầu cũng… trật lất. Vẫn chưa hết bàng hoàng, chị Trần Thị Thúy An kể, khi đưa con đi khám ở phòng mạch, thấy các nốt đỏ xuất huyết trên da, bác sĩ bảo Quyên bị… viêm da!
Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng, tuy sốt xuất huyết Dengue chưa thật sự phát dịch rầm rộ, nhưng số ca nặng đã xuất hiện nhiều. Phụ huynh phải chú ý các dấu hiệu cảnh báo, như sốt cao đột ngột liên tục, dùng thuốc hạ sốt không đỡ, ăn uống kém, mệt mỏi, da đỏ xung huyết… Khi trẻ có các triệu chứng này thì cần đi khám để được chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời và phù hợp.
“Ngoài theo dõi quá trình khởi bệnh, phụ huynh cũng cần hết sức cảnh giác trong thời gian điều trị, phải phối hợp tốt và làm đúng chỉ dẫn của nhân viên y tế. Bởi, các trẻ có biến chứng nặng thường diễn tiến xấu rất nhanh, dễ dẫn đến nguy hiểm tính mạng”, bác sĩ Dũng lưu ý.
NGUYỄN VĂN TRANG