Ðan lát sợi nhựa - việc làm phù hợp với lao động nữ
Sau 11 năm làm nghề tại cơ sở đan mây xuất khẩu trong tỉnh, năm 2004 chị Lê Thị Ngọc Yên (41 tuổi), quyết định mở xưởng đan lát riêng tại nhà ở khu vực 7, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương.
Theo chị Yên, nghề đan lát sợi nhựa thành những sản phẩm bàn, ghế... để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu xuất hiện trên địa bàn tỉnh vài năm trở lại đây. Công việc này khá phù hợp với số đông lao động nông thôn tại địa phương vì dễ làm, phù hợp với mọi lứa tuổi, có thể gia công tại nhà trong lúc rảnh rỗi, không đòi hỏi mặt bằng lớn, nhu cầu lao động cao. Chị Yên nói: “Nguyên liệu thô và toàn bộ sản phẩm hoàn chỉnh đều được Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, Công ty TNHH SX-TM Tân Ánh Dương, Công ty TNHH MTV Nhật Nam Hưng cung cấp và bao tiêu, nên tôi hoàn toàn yên tâm sản xuất. Lúc đầu một số chị em cũng ngại nhưng tôi động viên và trực tiếp cầm tay chỉ việc, người nào sáng dạ chỉ cần học 2-3 ngày, chậm cũng chỉ 1 tuần là làm được. Thời gian qua, tôi đã truyền nghề cho không dưới 200 lao động địa phương”.
Trung bình, mỗi tháng Cơ sở Ngọc Yên đan được khoảng hơn 6.000 sản phẩm bàn, ghế, giường từ sợi nhựa, đồng thời nhận đan thêm các sản phẩm từ cây mây tự nhiên và lục bình khi có yêu cầu. Ngoài 20 lao động chính trực tiếp làm tại xưởng, hiện tại Cơ sở còn có gần 100 lao động vệ tinh nhận hàng gia công tại nhà, thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Chị Trương Thị Sáu, 43 tuổi, nhà ở khu vực 7, phường Nhơn Bình, 8 năm làm ở cơ sở này, bộc bạch: “Nghề này đem lại cho chúng tôi nguồn thu tương đối ổn định hơn là làm nông. Trung bình, mỗi ngày tôi đan được từ 8 - 10 tay ghế, tiền công đan là 14.000 đồng/sản phẩm, tính ra mỗi ngày kiếm được 120 - 140 ngàn đồng. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình có phần khá hơn”. Còn theo chị Trần Thị Hồng Cẩm, 34 tuổi, nghề đan lát này rất phù hợp với lao động nữ vì không cần giờ giấc, ca kíp nên có thể tranh thủ làm việc nhà, chăm sóc con cái. Nhiều chị em trong khu vực, trong đó có chị, sau khi được chị Yên dạy đan miễn phí, đã nhận hàng về nhà gia công, thu nhập bình quân khoảng 100 ngàn đồng/ngày.
Ông Huỳnh Văn Hốt, Khu vực trưởng khu vực 7, phường Nhơn Bình, đánh giá: “Đa số bà con địa phương đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhờ có cơ sở đan lát của chị Yên mà nhiều lao động tại địa phương, đặc biệt là phụ nữ có được việc làm thường xuyên, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
NGUYỄN HỒNG PHÚC
Tôi ở Hoài Nhơn- Bình Định muốn nhận hàng cho bà con nơi thôn quê làm thì làm sao ạ Sdt 0375636774
Tôi đang công tác tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh Phú Yên. Tôi muốn nhận đan lát sợi nhựa cho học viên cai nghiện tại Cơ sở lao động trị liệu. Mong Toà soạn giúp đỡ giới thiệu cho chúng tôi. Chân thành cám ơn. ĐT: 0918320438
tôi ở vĩnh long, tôi muốn biết địa chỉ nơi nhận hàng để về cho nhân công làm